4-NHỮNG ĐỊNH LUẬT SIÊU NHIÊN
Tất cả những định luật khoa học đã khám phá đều do bàn tay khoa học của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa còn tạo dựng những định luật vượt tầm tính toán của khoa học, đó là NHỮNG ĐỊNH LUẬT SIÊU NHIÊN.
Chúa Giê-su đã tiết lộ trong Thông Điêp Tình Yêu Nhân Hậu gửi các Hồn Nhỏ qua bà Margarita, ngày 29-12-1966: "Thiên nhiên có những định luật phải tôn trọng. Song trong cuộc sống siêu nhiên với Chúa, còn có những ĐỊNH LUẬT quan trọng hơn nữa, và người ta cần phải NHẬN BIẾT và TÔN TRỌNG những định luật đó, nếu muốn đạt tới hoàn toàn thoát ly thụ tạo": Chúa Giê-su gửi thông điệp nhắn nhủ chúng ta rằng phải tìm ra những ĐỊNH LUẬT SIÊU NHIÊN vì những Định Luật này rất quan trọng và cần thiết cho việc tu thân tích đức và cứu rỗi linh hồn chúng ta.
Những Định Luật Siêu Nhiên được kết hợp với những định luật thiên nhiên ở đời này, nhưng những Định Luật Siêu Nhiên vô cùng quan trọng vì còn liên quan nối tiếp đến cuộc sống vĩnh cửu và tồn tại đời đời. Định luật thiên nhiên thì Chúa dễ dàng vượt qua, chẳng hạn khi muốn tỏ chút lạ lùng để các môn đệ tin, Chúa Giê-su đã đi trên nước và cho thánh Phê-rô cùng đi trên nước để đến với Người, nhưng Định Luật Siêu Nhiên thì Chúa tuyệt đối tôn trọng, không thể thay đổi, không thể một ly vi phạm, như khi thánh Phê-rô đang đi trên mặt nước để đến với Chúa mà lòng lo sợ thì liền bị chìm. Đó là vì thánh Phê-rô đã nghi ngờ, nên Chúa Giê-su không thể cho ngài đi trên nước như phút đầu thánh Phê-rô đã vững tin (Chúa Giê-su thực hành Định Luật "Có mới được cho thêm").
Những ĐỊNH LUẬT SIÊU NHIÊN bởi đâu ?
Sách Sáng Thế, việc tạo dựng đầu tiên, Thiên Chúa đã dựng nên ÁNH SÁNG, đọc đoạn Kinh Thánh đó thường chúng ta nghĩ ngay đến mặt trời, mặt trăng, các vì sao và các vật phát sáng mà quên cái nghĩa vô cùng cao trọng của ÁNH SÁNG:
Ga 8, 12: "Ta là ÁNH SÁNG thế gian. Ai theo Ta sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ÁNH SÁNG ĐEM LẠI SỰ SỐNG": "Ánh sáng đem lại sự sống": Ga 12, 46-50: "Ta là SỰ SÁNG đã đến thế gian, để bất cứ ai tin Ta, người ấy sẽ không ở trong sự tối tăm, nếu ai nghe lời Ta mà không tuân giữ, thì không phải Ta xét xử người ấy, vì Ta đến không phải để xét xử thế gian, nhưng là để cứu độ thế gian. Ai khinh dể Ta và không chấp nhận Ta, thì đã có người xét xử: LỜI TA NÓI SẼ XÉT XỬ người ấy trong ngày sau hết. Bởi vì Ta không tự mình nói ra, nhưng Chúa Cha là Đấng đã sai Ta, chính Ngài ra lệnh cho Ta phải nói gì và phải CÔNG BỐ gì. Và Ta biết rằng LỆNH CỦA NGÀI LÀ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI. Những điều Ta nói là nói theo như Chúa Cha đã dậy."
-Sao Chúa đến không phải để xét xử thế gian, mà LỜI CHÚA lại xét xử ?
-Sao lại gọi là LỆNH CỦA ĐỨC CHÚA CHA?
-LỆNH CỦA NGÀI LÀ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI nghĩa là gì?
-CÔNG BỐ: Mt 13, 34-35: "Tất cả những điều ấy, Chúa Giê-su đã dùng dụ ngôn mà nói với đám đông, và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: "Mở miệng ra ta sẽ kể dụ ngôn, CÔNG BỐ những điều được GIỮ KÍN TỪ TẠO THIÊN LẬP ĐỊA."
Cho nên tra xét thật kỹ, nhất là trong những dụ ngôn, chúng ta thấy Phúc Âm Chúa Giê-su xoay quanh 3 Định Luật vô cùng quan trọng, chính xác, không mảy may sai sót là:
-TRẢ ĐẾN ĐỒNG XU CUỐI CÙNG
-NHẬN BAO NHIÊU PHẢI CHO ĐI BẤY NHIÊU
-AI CÓ SẼ ĐƯỢC CHO THÊM.
Vậy, như khi chúng ta thành lập một tổ chức, một đoàn thể, chúng ta còn biết đặt luật này lệ nọ, thì trước khi tạo dựng trời đất, vạn vật và con người, Thiên Chúa đã tạo dựng ÁNH SÁNG là những ĐỊNH LUẬT SIÊU NHIÊN, là LỆNH của Đức Chúa Cha, mà Chúa Giê-su đến để CÔNG BỐ những Định Luật đó, Và LỆNH của Đức Chúa Cha là SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI vì căn cứ vào những Định Luật đó mà mỗi người chúng ta tạo lập CÔNG PHÚC để được hưởng phần gia nghiêp đời đời trên Nước Trời: St 1,14: "Thiên Chúa phán: "Phải có những VÒM SÁNG trên nền trời, để phân rẽ NGÀY với ĐÊM, để làm DẤU CHỈ XÁC ĐỊNH các ĐẠI LỄ, ngày và năm" là phải có những ĐỊNH LUẬT để phân định tốt xấu, phải trái mà hướng dẫn con người đến cõi phúc thật.
ĐỊNH LUẬT I: TRẢ ĐẾN ĐỒNG XU CUỐI CÙNG
Người đời hay nói "Có vay có trả", nhưng hàng ngày người ta làm chuyện xấu xa, ác độc, dối trá, lừa đảo đày dẫy mà chẳng mấy ai găp điều dữ, thậm chí kẻ làm ác còn sung túc, giầu có, ung dung nhàn hạ hơn người hiền lương tử tế, nên thiên hạ cho đó chỉ là câu răn đời.
Đạo Chúa không sách vở nào nói đến "Vay trả", nhưng Mt 26, 51-52: "Và kìa, một trong những kẻ theo Chúa Giê-su liền vung tay tuốt gươm của mình ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế, làm hắn đứt tai. Chúa Giê-su bảo người ấy: "Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì ai cầm gươm sẽ chết vì gươm": Ý Chúa là: kẻ làm ác sẽ lãnh hậu quả của việc họ làm, như vậy là "Vay trả", nhưng hãy xem Chúa Giê-su tiết lộ Định Luật "TRẢ ĐẾN ĐỒNG XU CUỐI CÙNG" tuyệt đối chi ly, hoàn chỉnh, vững vàng:
Mt 5, 21-26: "Các con đã nghe luật dạy người xưa rằng: "Ai giết người sẽ bị đưa ra tòa". Còn Thầy, Thầy bảo cho các con biết: ai giận anh em mình thì đáng bị đưa ra tòa, ai mắng anh em mình là đồ ngốc thì đáng bị đưa ra trước thượng hội đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt. Vậy nếu con sắp dâng lễ vật trước bàn thờ mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với con, thì hãy để của lễ đó lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Hãy mau dàn xếp với đối phương khi còn đang trên đường đi với người ấy đến cửa công, kẻo người ấy nộp ngươi cho quan tòa, quan tòa sẽ giao ngươi cho thuôc hạ, và ngươi sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho ngươi biết: ngươi sẽ không ra khỏi đó trước khi TRẢ HẾT ĐỒNG XU CUỐI CÙNG"
Cũng như Lc 12, 57-59: "Sao các ngươi không tự mình xét xem CÁI GÌ LÀ PHẢI. Thật vậy, khi các ngươi đi cùng đối phương ra tòa, thì dọc đường hãy cố giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy sẽ lôi ngươi đến quan tòa, quan tòa sẽ giao ngươi cho thừa phát lại, và thừa phát lại sẽ tống ngươi vào ngục. Ta bảo cho các ngươi biết: ngươi sẽ không ra khỏi đó trước khi TRẢ HẾT ĐỒNG KẼM CUỐI CÙNG":
Phúc Âm thánh Lu-ca không nói rõ chi tiết như Phúc Âm theo thánh Mat-thêu nhưng chỉ tóm gọn : "CÁI GÌ LÀ PHẢI" có nghĩa là phải nhìn vào Lời Chúa để nhận biết điều tốt xấu, trái phải:
-Mt 5, 22: "Còn Thầy, Thầy bảo cho các con biết: ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra thượng hội đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt."
-Mt 5,27-28: "Các con đã nghe luật dậy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho các con biết: Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi."
-Mt 5, 33-37: "Các con còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho các con biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giê-ru-sa-lem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì con không thể làm cho một sợi tóc hóa trắng hay đen được. Nhưng hễ 'có' thì phải nói 'có', 'không' thì phải nói 'không'. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ."
-Mc 7, 21-23: "Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu xa: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế."
Vậy dụ ngôn "Tới cửa công" theo thánh Mát-thêu và dụ ngôn "Ra tòa" theo thánh Lu-ca được hiểu như sau:
"Dàn xếp" là đền bù trang trải những lỗi lầm, thiếu sót.
"Đối phương" là sai pham, tội lỗi.
"Dọc đường" là thời giờ chúng ta còn sống ở đời này.
"Cửa công" là giờ chung kết của cuộc đời.
"Quan tòa": Khi qua khỏi cõi đời này, mọi người được phân xử theo những định luật công thẳng của Thiên Chúa: "Ai từ chối Ta và không đón nhận lời Ta thì có QUAN TÒA xét xử người ấy: chính LỜI TA NÓI sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết"(Ga 12, 48)
Vì thế những đoạn Phúc Âm trên, Chúa Giê-su đã tiết lộ cho chúng ta rằng: Trong mỗi cuộc đời chúng ta, tất cả những sai sót tội lỗi từ nhỏ đến lớn trong tư tưởng, lời nói việc làm, nếu khôn ngoan thì phải nhanh chóng gấp rút đền bù trang trải cho bằng hết ngay từ đời này, nếu không kịp mà đợi đến đời sau thì không thoát khỏi định luật vô cùng công thẳng của Thiên Chúa, lúc đó sẽ phải thanh toán chi ly không được mảy may thiếu sót, đó là Định Luật "TRẢ ĐẾN ĐỒNG XU CUỐI CÙNG".
Như thế cũng là "Vay trả", nhưng với Chúa Ky-tô thì đó là Định Luật TRẢ ĐẾN ĐỒNG XU CUỐI CÙNG, nó khác quan niệm người đời là thường lo sợ "quả báo", nhưng như Chúa Giê-su dạy thì chỉ có ai khôn ngoan nhanh nhẹn mới lo thanh toán trang trải trước khi đến cửa công, chỉ có ai may phước mới được "quả báo" để có dịp "dàn xếp" những nợ nần thiếu sót ngay từ đời này, nếu vô phước không được "quả báo" mà để đến đời sau thì vô cùng khốn khổ khốn nạn, vì vay thì càng để lâu càng phải trả lãi, mà linh hồn sau khi chết không còn tự tạo được công phúc để đền bù những sai sót. Nên Chúa Giê-su dậy: "Vậy nếu khi con sắp dâng lễ vật trước bàn thờ mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với con, thì hãy để của lễ đó lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.": Ý Chúa là sự thanh toán trang trải những lỗi lầm thiếu sót rất quan trọng, rất cần thiết và gấp rút hơn cả việc dâng lễ vật.
Và Mt 10, 26: "Vậy các con đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà không được tỏ lộ, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết." Hoặc Mc 4, 22: "Vì chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để thể hiện, chẳng có gì che giấu mà không phải là để đưa ra ánh sáng": Bởi khi ta chết thì chỉ xác chết mà thôi, linh hồn là SỰ SỐNG sẽ sống đời đời mà Định Luật "TRẢ ĐẾN ĐỒNG XU CUỐI CÙNG" là không có điều xấu xa tội lỗi hoặc thiếu sót nào mà không phải đền trả cho đủ.
BỐN PHƯƠNG CÁCH để trang trải nợ nần cách dễ dàng ngay từ đời này:
- VAY thì phải TRẢ
Tất cả những đau khổ: tai bay vạ gió, tù tội, đói khát, nhục nhã cay đắng, lam lũ vất vả, thấp kém thua thiệt, mất mát, xấu xí tật nguyền, đều là phương tiện để trang trải đền bù thiếu sót tội lỗi. Vì như Mt 9, 2: "Và kìa, người ta khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Chúa Giê-su bảo người bại liệt: "Hỡi con, hãy vững tin, tội của con được tha rồi": nghĩa là nhờ đau khổ tật nguyền bấy lâu, cộng với công phúc bởi đức tin của họ và lòng thương xót của Chúa mà tội của người bại liệt được tha, nên Chúa chữa lành anh ta.
- YÊU NHIỀU thì được THA NHIỀU
Lc 7, 36-50: "...Vì thế tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã ĐƯỢC THA, bằng cớ là chị YÊU MẾN NHIỀU, còn ai được tha ít thì yêu mến ít." Rồi Chúa Giê-su nói với người phụ nữ: "Tội của con đã được tha rồi." Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: "Ông này là ai mà được tha cả tội." Nhưng Chúa Giê-su nói với người phụ nữ: "Lòng tin của con đã cứu con. Con hãy đi bình an."
"YÊU MẾN", như người phụ nữ đã khóc ròng dưới chân Chúa, đó là sự ăn năn thống hối, gớm ghét tội lỗi đã phạm, thì rất đẹp lòng Chúa, nên Người tha phần phạt tạ đền bù.
Chúa Giê-su còn kể dụ ngôn "Người Cha nhân hậu"(Lc 15, 11-32), cũng như dụ ngôn "Ông Pha-ri-siêu và người thu thuế cầu nguyện"(Lc 18, 10-14) là nhờ sự ăn năn hối lỗi mà được thứ tha.
Vậy thì sự tự nhận biết mình phàm hèn, yếu đuối, tội lỗi mà ăn năn thống hối, xin Chúa thương xót tha thứ, sẽ lôi kéo được lòng xót thương của Chúa, để có thể trang trải nợ nần của những lỗi lầm thiếu sót: "ĐƯỢC THA VÌ YÊU MẾN NHIỀU."
- THA ĐỂ ĐƯỢC THA
Đây là điều kiện dễ dàng nhất và hiệu quả nhất, là công thức tốt nhất để trang trải gọn ghẽ những sai sót tội lỗi cách dễ dàng.
Chúa Giê-su dậy chúng ta kinh Lạy Cha, có câu: "Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con..." Và Chúa còn tiếp: "Thật vậy, nếu các con tha lỗi cho người ta, thì Cha các con trên trời cũng sẽ tha lỗi cho các con. Nhưng các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con trên trời cũng sẽ không tha lỗi cho các con.": Chúa lặp lại để chúng ta biết sự vô cùng quan trọng và cần thiết của việc tha thứ.
Cũng như Mc 11, 25-26: "Khi các con đứng cầu nguyện, nếu các con có chuyện bất bình với ai thì hãy tha thứ cho họ, để Cha các con Đấng ngự trên trời cũng tha lỗi cho các con. Nhưng nếu các con không tha thứ, thì Cha các con Đấng ngự trên trời cũng sẽ không tha lỗi cho các con."
Và Mt 18, 21-35: "Bấy giờ ông Phê-rô đến gần Chúa Giê-su và hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần. Có phải bẩy lần không?" Chúa Giê-su đáp: "Thầy không bảo là đến bẩy lần, nhưng là đến bẩy mươi lần bẩy lần." Rồi Chúa kể dụ ngôn "Tên mắc nợ không biết thương xót" và kết: "Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình."
Vậy THA ĐỂ ĐƯƠC THA là phương cách, là công thức hữu hiệu nhất để hóa giải Đinh Luật "TRẢ ĐẾN ĐỒNG XU CUỐI CÙNG". Cho nên khi gặp những trái ý bất bình, những sự xỉ nhục xúc phạm, những thiệt thòi bất công, thay vì khó chịu giận dữ hay tìm cách trả đũa, chúng ta phải chụp ngay lấy cơ hội quý giá ấy mà tha ngay, tha hết, tha cách vui vẻ, tha vô điều kiện, để đươc Chúa tha thứ hết thảy tội lỗi của mình. Mà ai đó may phúc không vướng mắc nhiều tội lỗi, thì sự nhường nhịn, chịu đựng, bao dung tha thứ những lỗi phạm của người khác, sẽ trở thành CÔNG PHÚC vô cùng lớn lao trước mặt Chúa.
-CẦU NGUYỆN
Tha tội cho cho kẻ khác thì Thiên Chúa sẽ tha tội cho chúng ta, nhưng thường thì chúng ta chỉ tha cho những người tỏ ra dễ thương, những người cúi đầu nhận lỗi với mình. Hai là, nhiều người có danh tiếng, địa vị quyền thế, tiền của, thì mấy ai dám làm mất lòng, để họ có cơ hội tha thứ mà được Chúa thứ tha. Cho nên CẦU NGUYỆN, với một số người lại là cách tốt nhất để tháo gỡ định luật "Trả hết đồng xu cuối cùng" là cậy nhờ công nghiệp Chúa Giê-su Ky-tô, công nghiệp Đức Mẹ Maria, công nghiệp các thánh cùng các kẻ lành để trang trải nợ nần cho chúng ta. Giữ các nhân đức cũng là cầu nguyện liên lỷ như Đức Tin, Đức Trông Cậy, Đức Kính Mến Chúa, Đức Yêu Người, Đức Đồng Trinh, Đức Vâng Lời, Đức Khiêm Nhường, Đức Khó Nghèo... Là những việc được Thiên Chúa chúc lành, ban đổ ơn mà sinh nhiều CÔNG PHÚC, công phúc đó để ngăn ngừa, xa tránh và đền bù tội lỗi chúng ta trước tiên, sau là tàng trữ vào kho báu đời đờì.
ĐỊNH LUẬT II: NHẬN BAO NHIÊU PHẢI CHO ĐI BẤY NHIÊU
Nhiều người Đạo Chúa cho rằng chỉ cần giữ Mười Điều Răn Chúa là nắm chắc phần rỗi, của cải do mồ hôi làm ra thì chúng ta có quyền chưng diện bày biện, ăn chơi thỏa thích đâu có phạm giới răn nào? Vợ chồng cưới nhau đầy đủ phép đạo phép đời thì cứ việc tận hưởng khoái lạc ngày đêm đâu có tội tình gì?
Nhưng trong dụ ngôn Lazaro thì ông phú hộ phạm tội gì mà phải chịu hình phạt nặng như thế, còn Lazaro có công đức gì mà được phần thưởng cao trọng như vậy? Và tại sao Chúa lại khuyên người thanh niên giầu có bán hết của cải để phân phát cho người nghèo dù anh ta giữ đúng Luật Chúa từ thủa nhỏ? Tại sao Chúa lại nói "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào Thiên Đàng?"
Thưa có một Định Luật cao siêu, quan trọng mà không mấy ai để tâm đến cũng không Giáo Lý nào đề cập ngoại trừ Chúa Giê-su Ky-tô, đó là Định Luật NHẬN BAO NHIÊU PHẢI CHO ĐI BẤY NHIÊU mà Chúa Giê-su đã giảng dạy vô cùng cặn kẽ và Người còn thực hành rất nghiêm ngặt:
Mt 25, 14-30: "Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đày tớ và thanh toán sổ sách với họ. Người đã lãnh năm yến tiến lại gần đưa năm yến khác, và nói: "Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây." Ông chủ nói với người ấy: "Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh." Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: "Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây." Ông chủ nói với người ấy: "Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao phó ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!" Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần mà nói: "Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!" Ông chủ đáp: "Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gửi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người có mười yến. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đày tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng."
Chúng ta thấy người được giao năm yến, làm lợi thêm được năm yến đã được ông chủ khen, được giao thêm nhiều và được vào hưởng niềm vui của ông chủ. Người được giao hai yến chỉ làm lợi được hai yến mà cũng được ông chủ khen, cũng được giao thêm nhiều và cũng được cũng được vào hưởng niềm vui của ông chủ, giống hệt như người làm lợi được năm yến. Vậy nếu người được giao một yến chỉ cần làm lợi được một yến thôi thì cũng sẽ được ông chủ khen, cũng sẽ được giao thêm nhiều và cũng sẽ được vào hưởng niềm vui của ông chủ hệt như người làm lợi được năm yến và người làm lợi được hai yến, nhưng người được giao một yến đã không làm lợi được xu nào nên bị quở trách và đuổi ra ngoài, đó là NHẬN BAO NHIÊU PHẢI CHO ĐI BẤY NHIÊU.
Và hãy đọc Mt 10, 7-10: "Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã ĐƯỢC CHO KHÔNG, THÌ CŨNG PHẢI CHO KHÔNG NHƯ VẬY. [:] Đừng kiếm vàng bạc hay tiền dắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn.":
Tại sao Chúa không cho mang tiền, vàng bạc, bao bị, áo mão, gậy gộc? Thưa vì Định Luật NHẬN BAO NHIÊU PHẢI CHO ĐI BẤY NHIÊU ("ĐƯỢC CHO KHÔNG, THÌ CŨNG PHẢI CHO KHÔNG NHƯ VẬY")thì nếu tiền bạc rủng rỉnh, áo mão giầy dép bảnh bao là các Tông Đồ hưởng NHẬN sung sướng thoải mái quá thì các ngài không có dịp CHO mà tạo nên CÔNG PHÚC để được Chúa trợ giúp mà có thể chữa lành bệnh nhân, cho người chết sống lại, cho người phong được sạch. Nên Chúa buộc các Tông Đồ phải ra đi nghèo khó trắng tay như vậy thì việc rao giảng mới có kết quả tốt đẹp.
Và hãy đọc dụ ngôn theo thánh Luca chương 12,35-48: "...Đầy tớ nào biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ nào không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì cũng sẽ bị đòi nhiều và ai được giao phó nhiều thì cũng bị đòi hỏi nhiều hơn.":
"HỄ AI ĐÃ ĐƯỢC CHO NHIỀU THÌ CŨNG BỊ ĐÒI NHIỀU" có nghĩa là "NHẬN BAO NHIÊU PHẢI CHO ĐI BẤY NHIÊU".
Ông chủ trở về gọi các đầy tớ lại tính toán sổ sách, là giờ lâm chung trước tòa Chúa, Người tính toán công phúc của chúng ta, tùy từng người được Chúa giao nhiều hay ít. "Những yến bạc" Chúa giao phó cho chúng ta là: Tuổi thọ, sức khỏe, sắc đẹp, thông minh, tài trí, lanh lợi, duyên dáng, quý phái, cao ráo, trắng trẻo, chồng sang, vợ đẹp, con khôn cháu ngoan, quyền cao chức trọng, tiền bạc của cải, ruộng nương đất đai, nhà cao cửa rộng, lụa là gấm vóc, cao lương mỹ vị...
Vậy "NHẬN", "ĐƯỢC CHO" và "ĐƯỢC GIAO" là bao gồm tất cả những thứ tạo nên hân hoan, sung sướng, hạnh phúc, hãnh diện, thoải mái, mãn nguyện vật chất lẫn tinh thần của từng giây từng phút trong suốt cuộc đời, kể cả những ơn Chúa ban cho chúng ta về phần linh hồn, mà NHẬN càng nhiều thì càng phải CHO nhiều là tạo công phúc cách tương xứng với những gì đã lãnh nhận.
Ngược lại "CHO ĐI", "BỊ ĐÒI" và "BỊ ĐÒI HỎI" thường chỉ được hiểu là làm phúc, chia sẻ. Nhưng hãy xem lại dụ ngôn "La-za-rô" (Lc 16, 19-30): Chúng ta thấy Chúa Giê-su không nói La-za-rô đạo đức thánh thiện, mà chỉ kể La-za-rô suốt đời đau khổ nhục nhã, một cuộc đời không hề có một may mắn nào, một cuộc đời "NHẬN" ví như chỉ một phần mười nén, là toàn đói khổ bệnh tật chồng chất. Với Chúa, đó là CÔNG PHÚC lớn lao, là "CHO ĐI" rất nhiều nên La-za-rô được hưởng nguồn an ủi vô tận, được phần thưởng vô cùng cao trọng trên trời. Còn ông phú hộ, Chúa không nói ông ác độc tội lỗi, mà chỉ kể ông suốt đời hưởng lụa là gấm vóc, chè chén say sưa, nghĩa là ông ta "NHẬN" hàng trăm nén, mà chẳng bao giờ "CHO ĐI" bằng những đau khổ lao nhọc nên sau khi chết, ông ta phải đền bù: "Con đã nhận phần thưởng của con rồi."
Vậy "CHO ĐI", "BỊ ĐÒI" và "BỊ ĐÒI HỎI" là xấu xí, thấp kém, xui xẻo, thiệt thòi, mất mát, đau khổ nhục nhã, nghèo hèn, đói khổ, yếu đau, tật nguyền, lầm than vất vả. Và tất cả những việc đạo đức tốt lành, những hy sinh công đức, làm phúc, chia sẻ, mến Chúa, yêu người.
Người đời cũng có chút khái niệm về luật "Bù trừ" nhưng chỉ tính chuyện xảy ra ở đời này, nên không mấy ai tin vì có người suốt đời may mắn giầu có, sung sướng hả hê. Lại có người suốt đời xui xẻo, nghèo khổ, khốn nạn. Nhưng với Chúa Ky-tô thì đây là LUẬT SƯỚNG KHỔ BÙ TRỪ, liên quan chặt chẽ với đời sau. Đời này hễ ai giầu có, sang trọng, may mắn, tài giỏi, sung sướng, nhàn hạ, đều được thiên hạ trầm trồ là có phúc, nhưng với Chúa Giê-su thì đó là VÔ PHÚC, vì "Đã nhận phần phúc rồi", vì "Sẽ phải khóc", "Sẽ phải khốn khổ". Và đời hễ ai nghèo hèn, xấu xí, kém cỏi, tai này nạn nọ, đều bị quy là vô phúc, nhưng với Chúa Giê-su Ky-tô, đó mới chính là CÓ PHÚC: "Các con hãy vui mừng hớn hở vì phần thưởng dành cho các con ở trên trời thật lớn lao."
Vì Giáo Lý Chúa Giê-su Ky-tô là CON ĐƯỜNG mở ra cho đời sau vĩnh cửu bất tận, sự gì gom góp tích lũy cho đời sau mới là có phúc. Những vinh quang sung sướng thuộc về đời này và những vinh quang sung sướng tích lũy cho đời sau là HAI VẾ ÂM DƯƠNG ĐỐI NGHỊCH, mất vế bên này được vế bên kia, thêm vế bên này bớt vế bên kia, đau khổ bên này sung sướng bên kia, vế này được một vế kia mất một, vế này bớt mười vế kia thêm mười, cho nên Chúa Giê-su đã nói với người giầu có kia: "Hãy về bán hết những gì ngươi có mà phân phát cho người nghèo, và ngươi sẽ có một kho tàng trên trời..."
Hãy xem đoạn Tin Mừng tàng chứa Định Luật "NHẬN BAO NHIÊU PHẢI CHO ĐI BẤY NHIÊU":
Lc 6, 20-28: "Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của các ngươi.
"Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy.
"Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười.
"Phúc cho các ngươi nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng của các ngươi sẽ bội hậu ở trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri như thế.
"Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giầu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi
"Khốn cho các ngươi là kẻ được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát.
"Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười vì các ngươi sẽ u sầu khóc lóc.
"Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ đã từng đối xử như vậy với các tiên tri giả."
Nếu biết "NHẬN BAO NHIÊU PHẢI CHO ĐI BẤY NHIÊU" là một Định Luật không thể mảy may xê dịch thay đổi, áp dụng cho mọi người trong mọi sự mọi việc, từng giây từng phút suốt cả cuộc đời, thì chúng ta rất dễ tiến bước trên đường thiện hảo, rất nhiều cơ hội lập công để trở nên "giầu có" trên Nước Trời. Những kẻ bóc lột, tước đoạt, làm khốn, bách hại chúng ta, đều coi như những kẻ làm công làm ơn, cho nên Chúa Giê-su mới dạy: Lc 6, 27: "Thầy nói với các con là những kẻ đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét các con, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa các con và cầu nguyện cho kẻ vu khống các con. Ai vả má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của con thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin thì hãy cho, ai lấy cái gì của con thì đừng đòi lại."
Nhiều người trách trời quá bất công, vì có người sinh ra là đã xinh đẹp mặn mà, thông minh lanh lợi, giầu có sang trọng quá. Lại có người tàn tật, xấu xí, thấp hèn, nghèo khó, xui xẻo suốt một đời. Nhưng nếu nghĩ được rằng cuộc đời dù có sống ngoài trăm năm cũng chỉ là thoáng giây so với đời sau vô cùng vô tận, mà với Định Luật "NHẬN BAO NHIÊU PHẢI CHO ĐI BẤY NHIÊU" nối kết đời này với đời sau, thì ĐỊNH LUẬT của Thiên Chúa quả là công bằng và tốt lành vô cùng, vì nhìn đời mà so sánh tỷ lệ chênh lệch, ta thấy có người NHẬN hàng ngàn, hàng vạn "yến", lại có người chỉ nhận có phân nửa, một phần tư, một phần mười "yến". Mà khi bước vào cõi đời đời, những kẻ nhận hàng ngàn hàng vạn "yến" kia, lấy gì mà trả cho đủ số nhận to lớn ấy? Còn những người chỉ nhận một phần tư, một phần mười "yến" là những người tật nguyền, xấu xí, nghèo hèn, thấp kém, xui xẻo, khốn khổ, chỉ phải "cho đi" cái số "nhận" ít ỏi đó, rồi còn lại phần công phúc suốt đời tạo được bởi những thua thiệt thấp kém, trở thành CÔNG PHÚC to lớn biết chừng nào trên Nước Trời. Vậy những ai thấp hèn kém cỏi, xấu xí thua thiệt, hãy mừng rỡ hân hoan, và ngay bây giờ hãy cảm tạ đội ơn Chúa. Còn những ai tài trí khôn ngoan, duyên dáng xinh đẹp, quyền quý cao trọng, thì chớ có khinh dể những người xấu xí nghèo hèn, và hãy sống như không có gì, đừng khoe mẽ phô trương kẻo phải trả đắt hơn, và phải ra sức làm lành lánh dữ, lập nhiều công phúc để bù đắp những thứ hơn người đó. Hãy nhớ rằng sự cầu nguyện như Thánh Lễ, Chầu Thánh Thể, Kinh Lòng Thương Xót, Kinh Mân Côi, ăn chay hãm mình, làm phúc , chia sẻ. Trước hết là xin cho chúng ta được xa lánh, từ bỏ những tham lam xác thịt, và quan trọng nữa là cậy nhờ công nghiệp Chúa Giê-su Ky-tô, công nghiệp Đức Mẹ cùng các thánh để bù đắp những sung túc dư giả từng ngày từng giờ suốt cuộc đời chúng ta, vì công nghiêp của Chúa Giê-su, công nghiệp Đức Mẹ và các thánh được tạo lập bởi đau khổ, nhục nhã, nghèo hèn, khó nhọc, vất vả, theo đúng định luật của Thiên Chúa áp dụng cho nhân loại trên trần thế.
Vì Định Luật NHẬN BAO NHIÊU PHẢI CHO ĐI BẤY NHIÊU nên Chúa Giêsu đã khuyên người thanh niên giầu có bán hết của cải mà phân phát cho người nghèo, rồi sau khi người thanh niên chán nản bỏ đi thì Chúa lại phán một câu rất khó hiểu: "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào thiên đàng." Việc này cho chúng ta hiểu giầu có không phải là tội nhưng vì có những người giầu có nhờ vào tiền bạc mà NHẬN quá nhiều sung sướng, bẩm bái, kính trọng nên không có thời giờ, không có cơ hội mà CHO ĐI giống như ông phú hộ trong dụ ngôn Lazaro không hề thấy Chúa nói ông ta phạm tội mà chỉ nói ông suốt đời chè chén tiệc tùng và mặc toàn lụa là gấm vóc. Nhưng khi các môn đệ Chúa thắc mắc: "Như vậy thì ai có thể được cứu?" Thì Chúa lại trả lời rất khó hiểu: "Con người không thể nhưng Thiên Chúa lại có thể.": Có nghĩa là Chúa có thể làm được mọi sự trong ĐỊNH LUẬT của Người là ban cho những người giầu có (mà còn có lòng yêu mến Chúa) những đớn đau khổ sở tinh thần để BÙ TRỪ những sung sướng vật chất (Nhưng chỉ những ai CÓ PHÚC MỚI ĐƯỢC CHO). Vì thế ở đời thường thấy nhiều người rất đẹp mà duyên số long đong, nhiều người có tài mà sự nghiệp bấp bênh lên voi xuống chó, nhiều người rất thành công giầu có mà đường gia thất lận đận, nhiều người có gia tài rất lớn mà đau khổ vì một mụn con kiếm không ra. Còn những người vừa nghèo khổ mà luôn gặp tai này nạn nọ thì Chúa sẽ an ủi bù đắp để vượt qua nghịch cảnh và rồi sau này trên Thiên Quốc Chúa sẽ CHO LẠI gấp trăm gấp ngàn như Lazaro trong lòng Abraham.
Vì Định Luật NHẬN BAO NHIÊU PHẢI CHO ĐI BẤY NHIÊU nên Chúa khuyên: "Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy."(Mt 7, 13-14): Cửa hẹp và đường chật là sống khiêm nhường khó nghèo. Cửa rộng và đường thênh thang là lo tranh đua quyền chức giầu sang.
Vì Định Luật NHẬN BAO NHIÊU PHẢI CHO ĐI BẤY NHIÊU mà Chúa phán: "Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, ai ghét sự sống mình thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời sau.": "Yêu sự sống" là tìm kiếm giầu có sang trọng, vinh hoa sung sướng. "ghét sự sống" là hãm dẹp từ bỏ và đi đàng nhân đức.
Vì Định Luật NHẬN BAO NHIÊU PHẢI CHO ĐI BẤY NHIÊU nên Chúa mới dậy: "Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên." "Nâng mình lên" là tìm sung sướng hạnh phúc đời này. "Hạ mình xuống" là hãm dẹp xác thịt, khiêm hạ khó nghèo.
Cũng vì Định Luật NHẬN BAO NHIÊU PHẢI CHO ĐI BẤY NHIÊU nên bà góa nghèo chỉ bỏ có hai xu mà được Chúa khen là dâng cúng nhiều nhất vì bà NHẬN chằng bao nhiêu, còn những người giầu có dù dâng cúng hàng nén cũng không được kể vì họ NHẬN rất nhiều.
Vì Định Luật NHẬN BAO NHIÊU PHẢI CHO ĐI BẤY NHIÊU nên Chúa đã kể dụ ngôn sau đây: Mt 20, 1-16: "Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: 'Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.' Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm như vậy. Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết? Họ đáp: 'Vì không ai mướn chúng tôi.' Ông bảo họ: 'Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!' Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: 'Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.' Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại , và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: 'Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại cho họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.' Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: 'Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Ban đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức? Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót. Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít."
Dụ ngôn của Chúa Giê-su Ky-tô thật không dễ hiểu chút nào! Sao lại có một ông chủ kỳ lạ như vậy? Nhưng biết về Định Luật "NHẬN BAO NHIÊU PHẢI CHO ĐI BẤY NHIÊU" chúng ta mới hiểu: Được thuê trước là những người quý phái sang trọng, thông thái, quyền thế, kể cả các vị có "chức sắc" nếu họ vui hưởng quyền bính và lợi nhuận hơn việc thi hành nghĩa vụ cao cả Chúa giao phó ("Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít".) Được thuê sau là những người nghèo hèn, kém cỏi, vô danh tiểu tốt, xấu xí, tật nguyền. MỘT QUAN TIỀN là sự cân bằng tuyệt đối giữa hai vế của Định Luật NHẬN BAO NHIÊU PHẢI CHO ĐI BẤY NHIÊU. Được trả trước là phần thưởng cao trọng hơn ở trên trời. Được trả sau là những người vì địa vị cao trọng ở thế gian mà thua kém phần thưởng trên trời.
Chính Chúa Giê-su cũng thực hành rất khắt khao Định Luật NHÂN BAO NHIÊU PHẢI CHO ĐI BẤY NHIÊU: Từ việc Chúa được sinh ra trong hang bò lừa tận cùng thiếu thốn bởi một trinh nữ nghèo rồi được nuôi dạy bởi một người cha nuôi làm nghề thợ mộc tầm thường, Chúa Giê-su đã là một người không danh không phận làm việc vất vả để nuôi thân nuôi mẹ. Trước khi xuất thân rao giảng Tin Mừng Chúa Giê-su đã ăn chay hãm mình 40 đêm ngày, sau đó Người sống rất nghèo khó: "Con chim có tổ, con chồn có hang, Con Người không có chỗ gối đầu" và Chúa không muốn danh thơm tiếng tốt chẳng hạn nhiều lần Chúa đã nghiêm cấm người được chữa lành không được phao đồn việc Người làm cũng như sau khi tỏ vinh quang của Người trên núi Chúa căn dặn các môn đệ phải giữ kín cho tới khi Người sống lại từ cõi chết. Khi Chúa sắp bị đóng đinh vào thập giá quân lính cho Người uống dấm chua mật đắng là món giải khát và liều thuốc giảm đau quý giá nhưng Chúa không uống để càng đau càng khát cho công nghiệp của Người thêm cao vời mà cứu vớt chúng ta cho được sung mãn.
Chúa Giê-su ngỏ cùng bà Ma-ga-ri-ta trong trong Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu cách tuyệt đối chính xác Đinh Luật "NHẬN BAO NHIÊU PHẢI CHO ĐI BẤY NHIÊU":
-Ngày 29-12-1966: "Hỡi con, vẻ cao quý của một linh hồn đo bằng sự bỏ mình, hãm dẹp ngũ quan cần thiết để linh hồn được nẩy nở. Thiên nhiên có những định luật phải tôn trọng, song cuộc sống siêu nhiên với Chúa còn có những ĐỊNH LUẬT QUAN TRỌNG hơn nữa và người ta cần PHẢI NHẬN BIẾT VÀ TÔN TRỌNG những định luật đó nếu muốn đạt tới hoàn toàn thoát ly thụ tạo. Cái "Tôi" chỉ bị tiêu diệt nếu người ta chịu khó ngăn chặn nó mọi lúc."
-Ngày 3-10-1966: Lúc nguyện ngẫm:
Ma-ga-ri-ta: "Lậy Chúa trời con, xin Chúa ban cho con ÁNH SÁNG của Chúa, SỰ THẬT của Chúa, để dẫn đường cho con tới cùng Chúa.
Chúa Giê-su: "SỰ THẬT duy nhất thì ai là người thành tâm cũng đều có ở trong mình. CHA LÀ SỰ THẬT.
"Hỡi con, Cha đã ban tràn đầy ân sủng cho con. Nhưng con không hơn kẻ khác đâu. Trái lại con MẮC NỢ Cha nhiều hơn. Người ta làm gì với chủ nợ? Không phải là TRẢ NỢ sao? Nói thật, con phải lo trả nợ Cha HƠN kẻ khác. Con hãy thi hành những điều Cha dạy bảo. Rồi Cha sẽ tha nợ cho con."
"Con đừng quên rằng CHA CÀNG CHO NHIỀU CHA CÀNG ĐÒI NHIỀU.
"Và điều Cha đòi hỏi nơi hồn nhỏ của Cha ấy là tình yêu.
-Ngày 5-10-1966:
Chúa Giê-su: "Tuổi trẻ của tâm hồn không bao giờ cùng.
"Con hãy luôn gìn giữ hồn nhỏ thơ ấu của con, âu yếm và nhiệt thành.
"Hỡi con hãy tin rằng Cha yêu con.
"Các thánh của Cha được hưởng vinh quang vô tận và chỉ còn có thể dâng Cha những lời tạ ơn.
"Nhưng con, thời giờ của con chưa hết. Con hãy hiểu rằng con còn có thể tạo hạnh phúc cho Cha ở đời này. Về Thiên Đàng, con chỉ lãnh nhận thôi.
"Nhưng ở đây con vừa NHẬN lại vừa CHO.
"Hỡi con nhỏ bé Cha, con hãy hát lên bài ca ngợi tình thương.
-Ngày 10-12-1966:
Chúa Giê-su: "Những người lên Nước Trời trước con thảy đều NHỎ BÉ, cái gì NHỎ BÉ DƯỚI ĐẤT THÌ TRÊN TRỜI VĨ ĐẠI."
-Ngày 18-12-1966:
Chúa Giê-su : "Hỡi con, CÔNG PHÚC của con ở đâu, nếu con không bị thử thách và thắng cơn thử thách?
-Ngày 15-1-1967:
Chúa Giê-su: "Con hãy vui lên khi gặp khó khăn. Những khó khăn đó là dấu hiệu chắc chắn về lòng yêu thương của Cha.
-Ngày 28-2-1967:
Chúa Giê-su: "Ngày nay, tùy theo mức độ yêu mến và trung thành của mình, các tín hữu được tự do và cứ theo lương tâm mà áp dụng phương thức để làm việc đền tội một cách chân thật và can đảm.
"Và Cha nói với con điều này: ai CHO nhiều thì Cha cũng sẽ CHO họ nhiều.
Những câu những đoạn trên của Thông Điệp không chỉ cho chúng ta xác tín Định Luật "NHẬN BAO NHIÊU THÌ PHẢI CHO ĐI BẤY NHIÊU", mà còn giúp chúng ta nhận biết sự chân thật của Thông Điệp, nhận biết những lời lẽ của Chúa Giê-su Ky-tô âu yếm nhắn nhủ mọi người chúng ta.
ĐỊNH LUẬT III: AI CÓ SẼ ĐƯỢC CHO THÊM
Định Luật AI CÓ SẼ ĐƯỢC CHO THÊM liên hệ với Định Luật TRẢ HẾT ĐỒNG XU CUỐI CÙNG và nối kết với Định Luật NHẬN BAO NHIÊU PHẢI CHO ĐI BẤY NHIÊU. Nhưng Định Luật AI CÓ SẼ ĐƯỢC CHO THÊM thì từ xưa tới nay tuyệt nhiên không ai hay biết, cũng không hề có đạo giáo nào biết đến, nói đến, mà chỉ có Chúa Giê-su Ky-tô thì Định Luật AI CÓ SẼ ĐƯỢC CHO THÊM tuyệt đối chi ly chuẩn xác, vô cùng quan trọng và là nền tảng vững vàng trong Giáo Lý Chúa Ky-tô mà Người giảng dạy và thực hành Định Luật AI CÓ SẼ ĐƯỢC CHO THÊM khắt khao tuyệt đối:
Mc 4, 10-12: Khi còn một mình Chúa Giê-su, những người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi Người về các dụ ngôn, Người nói với các ông: "Phần các con, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho các con; còn với những kẻ kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn, ĐỂ HỌ CÓ TRỐ MẮT NHÌN CŨNG CHẲNG THẤY, CÓ LẮNG TAI NGHE CŨNG KHÔNG HIỂU, KẺO HỌ TRỞ LẠI MÀ ĐƯỢC ƠN THA THỨ."
Hoặc sau khi Chúa Giê-su kể dụ ngôn "Người gieo giống" (Lc 8, 4-10) các môn đệ hỏi Chúa dụ ngôn ấy có nghĩa gì , Người đáp: "Các con thì được ơn hiểu biết những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn ĐỂ CHÚNG NHÌN MÀ KHÔNG NHÌN, NGHE MÀ KHÔNG HIỂU."
Tại sao lại nghịch lý như vậy? Chúa nói thì cốt để mọi người hiểu mà theo Chúa chứ? Không phải Chúa luôn mong muốn như vậy sao? Vậy mà Chúa lại cố tình dùng dụ ngôn để cho người ta không hiểu?
Khi chưa tìm thấy Định Luật "AI CÓ SẼ ĐƯỢC CHO THÊM" thì câu này bị hiểu rằng: Chúa nói cái kết quả là Lời Chúa không ai thèm nghe, chẳng ai chịu hiểu, hoặc cho rằng Chúa chỉ lặp lại lời ngôn sứ I-sai- a. Mà cũng vì khó giải thích quá nên có ý kiến là tại "tam sao thất bản".
Nhưng hãy đọc Mt 13, 10-12: Các môn đệ đến gần hỏi Chúa Giê-su rằng: "Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?" Người đáp: "Bởi vì các con thì ĐƯỢC ƠN hiểu biết mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. AI ĐÃ CÓ THÌ ĐƯỢC CHO THÊM VÀ SẼ CÓ DƯ THỪA, CÒN AI KHÔNG CÓ, THÌ NGAY CÁI ĐANG CÓ CŨNG SẼ BỊ LẤY MẤT.":
Như thế là Chúa cố tình dùng dụ ngôn để chỉ những kẻ "CÓ MỚI ĐƯỢC CHO THÊM" còn ai không có thì giấu nhẹm, thậm chí là lấy đi.
Vậy CÓ là gì?
Ga 14, 22-23: Ông Giu-đa, không phải Giu-đa Is-ca-ri-ốt nói với Chúa Giê-su: "Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con mà không tỏ mình cho thế gian?" Chúa Giê-su đáp: "Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở trong người ấy.":
Các Tông Đồ tưởng rằng Chúa Giê-su chỉ tỏ mình ra với các ông bằng cách giảng giải cho các ông hiểu biết mầu nhiệm Nước Chúa, nhưng câu trả lời chỉ lập lại câu Người vừa nói trước đó, có nghĩa rằng: không riêng các Tông Đồ mà bất cứ ai CÓ yêu mến Chúa, CÓ nghe và tuân giữ Lời Chúa thì Chúa mới CHO sự soi sáng để hiểu, còn những kẻ không nghe và tuân giữ Lời Chúa thì Người giấu họ bằng dụ ngôn.
Vậy thì "Yêu mến Chúa", "Nghe và tuân giữ Lời Chúa" là CÔNG PHÚC cao trọng quý giá. Và Chúa cố tình dùng dụ ngôn hoặc những câu bóng gió xa xôi để chỉ soi sáng cho những người có CÔNG PHÚC và để che giấu những kẻ không có công phúc vì Định Luật AI CÓ SẼ ĐƯỢC CHO THÊM.
- Lc 8, 16-18: "Chẳng có ai đốt đèn rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai vào thì nhìn thấy ánh sáng. Vì chẳng có gì bí ẩn mà không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. Vậy hãy để ý cách thức các con nghe. VÌ AI ĐÃ CÓ THÌ ĐƯỢC CHO THÊM, CÒN AI KHÔNG CÓ, THÌ NGAY CÁI TƯỞNG LÀ CÓ CŨNG SẼ BỊ LẤY MẤT.":
"Chẳng có ai đốt đèn rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng" là ai tin Chúa Giê-su Ky-tô và thực thi các huấn thị của Người thì tạo nên CÔNG PHÚC là "CÓ".
- Mc 4, 24-25: Người nói với các ông: "Hãy để ý tới điều các con nghe: các con đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho các con bằng đấu ấy, và còn cho các con hơn nữa, VÌ AI ĐÃ CÓ THÌ ĐƯỢC CHO THÊM, CÒN AI KHÔNG CÓ, THÌ NGAY CÁI ĐANG CÓ, CŨNG SẼ BỊ LẤY MẤT."
-Và hãy đọc dụ ngôn sau: Lc 19, 12-26: "Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về. Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười nén bạc và nói với họ: 'Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.'Nhưng đồng bào ông ghét ông, nên họ cử một phái đoàn đến sau ông để nói rằng: 'Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng tôi.'
Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về. Bấy giờ ông truyền gọi những người đày tớ ông đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm ăn sinh lợi được bao nhiêu. Người thứ nhất đến trình: 'Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén.' Ông bảo người ấy: 'Khá lắm. hỡi đày tớ tài giỏi! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành.' Người thứ hai đến trình: 'Thưa ngài. nén bạc của ngài đã làm lợi được năm nén.' Ông cũng bảo người ấy: 'Anh cũng vậy. hãy cai trị năm thành.' Rồi người thứ ba đến trình: 'Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ. Tôi sợ ngài. vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo.' Ông nói: 'Hỡi đày tớ tồi tệ! Tôi cứ lời miệng anh mà xử anh. Anh đã biết tôi là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. Thế sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng? Có vậy, khi tôi đến, tôi mới rút ra được cả vốn lẫn lời chứ!' Rồi ông bảo những người đứng đó: 'Lấy lại nén bạc nó giữ mà đưa cho người đã có mười nén.' Họ thưa ông: 'Thưa ngài, anh ấy đã có mười nén rồi!' 'Tôi nói cho anh hay: phàm AI ĐÃ CÓ, THÌ SẼ ĐƯỢC CHO THÊM; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.' Còn bọn thù địch của tôi kia, những người không muốn tôi làm vua cai trị chúng, thì hãy dẫn chúng lại đây và giết chết trước mặt tôi.":
Người quý tộc chính là Chúa Giê-su Ky-tô, Phái đoàn không muốn ông làm vua là những kẻ thù hận, ác độc ghen ghét giết Chúa, "Lãnh nhận vương quyền" là Chúa Giê-su đã chiến thắng sự chết vả trở lại ngôi vị Thiên Chúa ("Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy.") "Tôi tớ" là mọi người. "Nén bạc" là hoàn cảnh điều kiện, là ơn Chúa trao cho mỗi người (Tuổi thọ, sức khỏe, tài năng, sắc đẹp, của cải) để tạo công phúc và tùy công phúc mà Chúa ân thưởng bội hậu "Phàm ai đã có thì được cho thêm", còn những kẻ không tạo công phúc thì bị lấy lại: "Còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi."
Vậy "Hãy để ý" chúng ta sẽ thấy trong những lời dạy dỗ nhủ khuyên, trong những dụ ngôn của Chúa, là ra sức làm lành lánh dữ để tạo lập CÔNG PHÚC, mà nhờ CÔNG PHÚC đó Chúa mới có thể CHO chúng ta gấp ngàn gấp vạn lần CÓ của chúng ta, bằng không thì Chúa không thể, không được phép CHO vì Định Luật CÓ AI CÓ SẼ ĐƯỢC CHO THÊM của Người. Mà TIN CHÚA, YÊU CHÚA và THỰC HÀNH LỜI CHÚA tạo CÔNG PHÚC rất lớn:
-Mc 9, 22-23: " Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy nó xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi." Chúa Giê-su nói với ông ta: "Sao lại nói: nếu Thầy có thể? MỌI SỰ ĐỀU CÓ THỂ đối với người TIN." Có nghĩa rằng Chúa có thể làm được mọi sự, nhưng theo Định Luật CÓ MỚI ĐƯỢC CHO thì cha của đứa trẻ phải có CÔNG PHÚC do bởi ĐỨC TIN Chúa mới có thể chữa khỏi bệnh động kinh cho đứa bé.
-Mc 10, 52: Người nói: "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!" Tức khắc anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi: Anh mù thành Giê-ri-khô được chữa khỏi mù mắt vì có CÔNG PHÚC bởi TIN Chúa dù bị người ta quát nạt, ngăn chặn, xua đuổi mà vẫn kêu xin Chúa.
-Lc 8, 48: Chúa Giê-su nói với bà: "Này con, lòng tin của con đã chữa con. Con hãy đi bình an.": CÔNG PHÚC của người đàn bà mắc bệnh băng huyết là tin rằng chỉ chạm vào áo Chúa là khỏi bệnh nên Chúa đã cứu chữa bà.
-Lc 17, 19: Rồi Người nói với anh ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu anh": CÔNG PHÚC của một trong số mười người phong cùi sau khi được khỏi đã quay lại cảm tạ Chúa, được Chúa khen vì anh chẳng những tin mà còn tỏ lòng YÊU MẾN CẢM TẠ CHÚA.
-Lc 17, 5-6: Các Tông Đồ thưa với Chúa rằng: "Thưa Thầy, xin Thầy thêm lòng tin cho chúng con." Chúa đáp: "Nếu các con có đức tin lớn bằng hạt cải, thì dù các con có bảo cây dâu này: 'hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc' nó sẽ vâng lời các con.": ĐỨC TIN sinh CÔNG PHÚC rất lớn đến nỗi có thể dùng để kêu xin Chúa những việc khó khăn vượt sức con người.
-Mt 21, 22: "Tất cả những gì anh em lấy LÒNG TIN mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được.": CÔNG PHÚC của ĐỨC TIN có thể dùng để cầu xin mọi sự".
"LÒNG TIN CỦA CON ĐÃ CỨU CON" và những câu mang ý tương tự thường ít người để ý, nhưng lại là mấu chốt để chúng ta tìm ra Định Luật CÓ MỚI ĐƯỢC CHO THÊM.
Và hãy tìm trong Giáo Huấn của Chúa chúng ta sẽ tìm được nhiều phương thức lâp CÔNG PHÚC là "CÓ" để được Chúa "CHO":
Mt 5, 3-12: "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
"Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
"Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
"Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
"Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
"Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
"Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
"Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
"Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta xỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.
"Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
"Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như vậy.
Lc 6, 27-38: CÔNG PHÚC bởi sự chịu đựng, thứ tha, nhường nhịn.
Mt 25, 34-40: CÔNG PHÚC bởi việc thương xót cứu giúp tha nhân.
Mt 10, 40-42: CÔNG PHÚC bởi kính trọng, hỗ trợ các đấng bậc.
Mt 7, 7-12: CÔNG PHÚC bởi cầu nguyện.
Mt 5, 3-12: CÔNG PHÚC của các nhân đức.
Mt 10, 28-31: CÔNG PHÚC bởi từ bỏ mọi sự mà theo Chúa.
Mt 12, 50: -CÔNG PHÚC bởi thực thi Lời Chúa.
Ga 6, 27: CÔNG PHÚC nhờ khó nhọc vất vả.
Lc 19, 12-26: CÔNG PHÚC bởi những việc tốt lành trong suốt cuộc đời.
Nhiều người cho "CÓ" là tiền bạc của cải, tài năng quyền thế, cao trọng, xinh đẹp, quý phái... Nhưng là đối nghịch với những thứ đó: CÓ là CÔNG PHÚC tạo được bởi thấp hèn, xấu xí, thiệt thòi, nghèo nàn, đau khổ, vất vả, bệnh tật, đói khát... Và là đường nhân đức, những việc thờ kính phụng sự Chúa như Thánh Lễ, Kinh Lòng Thương Xót, Kinh Mân Côi, Nguyện Ngẫm Lời Chúa, làm phúc, chia sẻ, những yêu thương nhường nhịn thứ tha, những xa lánh xa hoa, sang trọng, xác thịt... Nhưng những CÔNG PHÚC đó phải đền trả cho những lỗi lầm thiếu sót theo Định Luật "TRẢ HẾT ĐỒNG XU CUỐI CÙNG" và phải bù trừ cho những sung sướng mãn nguyện theo Định Luật "NHẬN BAO NHIÊU THÌ PHẢI CHO ĐI BẤY NHIÊU", phần CÔNG PHÚC còn lại mới tính được là CÓ theo Định Luật AI CÓ SẼ ĐƯỢC CHO THÊM.
AI CÓ SẼ ĐƯỢC CHO THÊM là Định Luật rất công thẳng của Thiên Chúa, áp dụng không riêng các Tông Đồ, không riêng người Đạo Chúa mà hết thảy trẻ già trai gái mọi dân mọi nước, tất cả những ai được làm người, từ khi chúng ta sinh ra trên cõi đời thì từng giây từng phút, Thiên Chúa đều luôn muốn dạy chúng ta biết đường lối của Chúa, luôn muốn bảo vệ chúng ta khỏi chước ma quỷ, dìu dắt chúng ta trên đường ngay nẻo chính để về tới quê trời, che chở chúng ta khỏi sự khó sự dữ, cứu chữa chúng ta khỏi yếu đau bệnh tật... Nhưng Người không thể CHO nếu chúng ta không "CÓ" CÔNG PHÚC , như khi thánh Phê-rô tin, Chúa mới cho ngài đi được trên mặt nước để đến với Người, nhưng tới lúc ông nghi ngờ thì liền bị chìm. Ngày về quê Chúa muốn làm nhiều phép lạ cho người ta tin mà theo Chúa, nhưng Người không thể thực hiện được phép lạ nào vì người ta không có CÔNG PHÚC của đức tin.
Bởi Định Luật AI CÓ SẼ ĐƯỢC CHO THÊM mà Chúa Giê-su dạy chúng ta phải cầu nguyện: "Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.": Vì nếu Chúa muốn danh Người cả sáng trong thế giới thần linh, thì đó là quyền tuyệt đối của Thiên Chúa, nhưng trần gian này Người triệt để thực hiện Định Luật "AI CÓ SẼ ĐƯỢC CHO THÊM", nên chỉ khi nào chúng ta CÓ CÔNG PHÚC thì Thiên Chúa mới CHO danh Người cả sáng ở thế trần. Cũng như mọi ý định của Thiên Chúa được răm rắp tuân hành trong thế giới thần linh, nhưng vì Định Luật AI CÓ SẼ ĐƯỢC CHO THÊM nên phải cần chúng ta cầu nguyện tạo CÔNG PHÚC để ý định của Thiên Chúa được thực hiện ở thế gian này. Vì thế Chúa Giê-su đã ngỏ ý cùng bà Magarita trong Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu rằng Người ước ao chúng ta cầu nguyện cho Danh Thiên Chúa cả sáng.
Bởi Định Luật AI CÓ SẼ ĐƯỢC CHO THÊM mà dù Thiên Chúa SẼ quyền năng tuyệt đối bao trùm cả vũ trụ hữu hình và vô hình, Người vẫn vô cùng ẩn dật với những kẻ không có CÔNG PHÚC như khi Chúa Giê-su dùng quyền năng Thiên Chúa mà trừ quỷ thì nhiều người có CÔNG PHÚC được soi lòng để nhận biết mà ngợi khen cảm tạ Thiên Chúa, nhưng những kẻ không có công phúc nên không được Chúa soi lòng thì lại cho rằng Chúa dùng tướng quỷ mà trừ quỷ. Cho nên đừng lầm rằng Chúa hoặc thiên thần Chúa phải chiến đấu với ma quỷ nhưng quyền thống trị của Thiên Chúa là TUYỆT ĐỐI.
Bởi Định Luật AI CÓ SẼ ĐƯỢC CHO THÊM mà dù Giáo Hội và các Đấng Bậc trong Giáo Hội là của Chúa, đáng lẽ Chúa phải luôn dạy bảo, nâng đỡ, chở che cách đặc biệt, nhưng Chúa vẫn cần chúng ta yêu thương lo lắng mà cầu nguyện hằng ngày hằng giờ, để nhờ CÔNG PHÚC đó, Chúa mới có thể đổ ơn chở che, dìu dắt Giáo Hội.
Và cũng bởi Định Luật AI CÓ SẼ ĐƯỢC CHO THÊM nên nếu nhân loại không có công phúc là CÓ một Đức Nữ Trinh Thánh vẹn toàn mọi nhân đức để XỨNG ĐÁNG mang thai và sinh hạ Đấng Cứu Chuộc là Con Thiên Chúa, thì Chúa Giê-su Ky-tô không thể xuống thế làm người. Cho nên chúng ta phải đời đời cảm tạ đội ơn Đức Trinh Nữ Maria.
ĐỊNH LUẬT SIÊU NHIÊN của Thiên Chúa qua sự tiết lộ trong Tin Mừng Chúa Giê-su Ky-tô thì chưa có sách Công Giáo nào bàn đến, chưa có Đấng Bậc nào giảng dậy, nhưng đây là một khám phá mới mà cầu mong được Giáo Hội nghiên cứu và công nhận hầu mang lợi ích cho việc tu thân tích đức.
2000
Gửi ý kiến của bạn