14- ĐỨC MẸ MÂN CÔI.
Từ khi Chúa Giê-su còn rao giảng, khi nhận ra Chúa cao trọng quyền năng, người ta kính mến vị sinh thành ra Người: "Phúc thay dạ đã cưu mang Người, phúc thay vú đã cho Người bú mớm." Sau khi Chúa Giê-su và Đức Mẹ về trời, Giáo Hội cũng đã được soi sáng hướng dẫn để nhận biết và kính mến Đức Mẹ, và càng CÓ càng được CHO mà kinh Kính Mừng đã hoàn chỉnh vào khoảng thế kỷ thứ XI, được đọc nhiều lần và đếm bằng những xâu chuỗi hạt.
Thế kỷ thứ XIII , bè rối Al-bi-gen-sê chống phá Giáo Hội bằng đủ mọi mưu chước. Thánh Đa-minh nhờ kính mến Đức Mẹ cùng với lòng tha thiết yêu thương lo lắng cho Giáo Hội, mà ngài đã được Đức Mẹ truyền dạy kinh Mân Côi. Thánh nhân đã nỗ lực rao giảng truyền bá và các tín hữu đã hưởng ứng, kêu xin Đức Mẹ bằng chuỗi Mân Côi, nên bè rối cùng mọi sự dữ được dẹp tan cách lạ lùng, từ đó kinh Mân Côi gắn liền với Giáo Hội, Giáo Hội càng được nhiều ơn lạ bởi kinh Mân Côi thì càng tin tưởng sùng kính và cầu khấn Đức Mẹ bằng chuỗi Mân Côi.
Vào thế kỷ thứ Mười Sáu , vua Hồi Giáo Thổ-nhĩ-kỳ với binh lực hùng mạnh, xua quân định tiêu diệt Giáo Hội. Cậy nhờ kinh Mân Côi, đạo binh Công Giáo đã chiến thắng đạo quân rất hùng mạnh Thổ-nhĩ-kỳ, do Đức Mẹ đã ban phép lạ trong trận chiến ngày 7-10-1571. Đức Giáo Hoàng Gre-goi-re đã cho phép mừng Thánh Lễ kỷ niệm ngày này tại một số Giáo Đường.
Năm 1716, cũng lại cậy nhờ kinh Mân Côi, vua Char-let 6 chiến thắng quân Hồi Sar-ra-sins , từ đó Đức Giáo Hoàng Cle-men-tô II truyền cho cả Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 7 tháng 10 hàng năm.
Đầu thế kỷ Hai Mươi thế giới bị đe dọa bởi những quyền lực , đảng phái, với những học thuyết gở lạ xấu xa và những âm mưu thâm độc sẽ làm tan nát thế giới và triệt phá Giáo Hội. Đức Mẹ đã hiện ra với ba em bé thánh thiện Lu-ci-a, Phan-ci-cô và Ja-cin-ta tại Fa-ti-ma, nước Bồ-đào-nha, cả thảy 6 lần vào ngày 13, từ ngày 13-5-1917 đến ngày 13-10-1917. Đức Mẹ đã hứa cứu giúp con cái Mẹ phần hồn phần xác, cứu chữa Giáo Hội và cả thế giới nếu chúng ta thi hành ba mệnh lệnh của Mẹ:
-ĂN NĂN THỐNG HỐI CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG.
-TÔN SÙNG ĐỀN TẠ TRÁI TIM ĐỨC MẸ.
-LẦN CHUỖI MÂN CÔI.
Như khi xưa dân thành Ni-ni-vê ăn năn thống hối mà thoát khỏi cơn thịnh nộ của Chúa, thì sau khi Đức Mẹ hiện ra tại Fa-ti-ma, Giáo Hội cũng ăn năn xám hối, tôn sùng đền tạ Trái Tim Đức Mẹ và thi đua lần chuỗi Mân Côi thành phong trào sốt sáng sôi nổi khắp hoàn cầu, cho nên Đức Mẹ đã ra tay cứu vớt Giáo Hội cùng toàn thế giới khỏi nhiều tai ương khốn khó khủng khiếp. Riêng Bồ-đào-nha, nơi Đức Mẹ hiện ra, chính quyền của họ trước đó chủ trương tiêu diệt hết Công Giáo, nhưng sau khi Đức Mẹ hiện ra và lời khuyên của Người được thực hiện thì cả nước và nhà cầm quyền ăn năn trở lại cách hết sức lạ lùng: kính mến tôn sùng, dâng cả đất nước cho Đức Mẹ. Và nước Nga cùng khối Đông Âu thoát nạn Cộng Sản dễ dàng kỳ lạ sau lần Đức Gio-an Phao-lô ll chính thức dâng nước Nga cho Đức Mẹ theo đúng nghi thức Người đã dạy qua chị Lu-ci-a. Đó là những sự kiện điển hình về kết quả vĩ đại nhiệm mầu của Phép Mân Côi, và còn bao nhiều ơn lạ phép lạ Đức Mẹ ban phát nhờ Phép Mân Côi không thể kể hết, tất cả những ai sốt sáng lần chuỗi Mân Côi đều thấy rõ ràng những ơn ích bởi chuỗi Mân Côi. Thật ra, nếu người cầu khấn Đức Mẹ bằng chuỗi Mân Côi không được những ơn ích tỏ tường hằng ngày thì không mấy ai kiên trì đọc kinh Mân Côi, ngược lại kinh Mân Côi càng ngày càng nhiều người say mê đọc nhiều hơn và chất lượng hơn, vì người cầu khấn Đức Mẹ bằng chuỗi Mân Côi luôn được ơn lộc tràn đầy phần hồn phần xác.
Trước và sau sự kiện Fa-ti-ma, nhiều lần Đức Mẹ đã khuyên dạy đọc kinh Mân Côi, nhiều nhắn nhủ của Đức Mẹ qua các thánh nhân về kinh Mân Côi, đã có hàng trăm thông điêp của các Đức Giáo Hoàng chỉ dạy dùng chuỗi Mân Côi, cùng biết bao lời kêu gọi của các Đấng Bậc trong Giáo Hội, muôn ngàn sách vở, bài viết, ca ngợi cổ động kinh Mân Côi. Trên đây chỉ tóm gọn một chút về nguồn gốc kinh Mân Côi. Vậy cách cầu nguyện của Giáo Hội qua Đức Mẹ và các thánh, nhất là kinh Mân Côi có đúng lý đúng luật và đẹp lòng Chúa không?
Chúa Giê-su đã nhiều lần khuyên các môn đệ hãy cầu nguyện: "Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn", "Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho." Cho nên Giáo Hội cậy dựa vào cầu nguyện, cầu nguyện liên lỷ, sự gì việc gì cũng cầu nguyện, vì Giáo Hội là hội cầu nguyện, không cầu nguyện Giáo Hội không thể tồn tại, không cầu nguyện Giáo Hội không còn là Giáo Hội.
Cách thức cầu nguyện của Giáo Hội gồm Thánh Lễ, chầu Thánh Thể, viếng Đàng Thánh Giá, Kinh Mân Côi, Kinh Kính Lòng Thương Xót Chúa, làm giờ đền tạ Thánh Thể, đọc Lời Chúa, nguyện ngắm, rước kiệu, cấm phòng, hành hương, xưng tội, ăn chay hãm mình, kiêng việc xác, chia sẻ... Chúng ta thấy Giáo Hội dùng những nghi thức, những lời chúc tụng ngợi khen Chúa, những suy niệm, những sự hy sinh hãm mình, ăn năn thống hối, làm thành lễ vật dâng hiến để xin ơn cứu độ của Thiên Chúa, nài xin Người những ơn cần thiết tinh thần lẫn vật chât, và cảm tạ Chúa về mọi ơn lành Người đã ban cho chúng ta.
Nhưng có ý kiến cho rằng cách cầu nguyện của Giáo Hội rườm rà, chuộng hình thức, nặng kinh kệ, quá khuôn mẫu, viện cớ lời Chúa rằng: "Các con hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu nguyện." Hoặc "Các con chớ lải nhải như dân ngoại."
Thật ra, người ta không đọc thêm và đọc kỹ để suy thấu rằng Chúa Giê-su không muốn chúng ta giả hình, cốt phô trương để thiên hạ khen là đạo đức, vì như thế chẳng còn công trạng gì cả. Nhưng chúng ta thấy gì trong Phúc Âm thánh Gio-an Chương 12, 1-8 kể rằng gần ngày Chúa Giê-su chịu nạn, trong bữa tiệc tai Bê-tha-ni-a, Ma-ri-a đã lấy một cân dầu thơm cam tùng hảo hạng nguyên chất, đổ vào chân Đức Chúa Giê-su, rồi lấy tóc bà mà lau chân Người. Giu-đa Ít-ca-ri-ốt đã phản đối rằng: Phí phạm, sao không bán chai dầu thơm lấy ba trăm đồng mà cho kẻ khó, nhưng Chúa Giê-su đã nói: "Để mặc bà ấy, để hầu bà còn giữ lại cho ngày mai táng Ta, vì kẻ khó các con vẫn có luôn với các con, còn Ta, không phải các con bao giờ cũng có đâu." Hoặc khi Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem, dân chúng cầm cành thiên tuế đón rước, trải áo lót đường cho Người đi và hân hoan ca ngợi: "Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời." Liền trong đám đông có số luật sĩ phản đối, yêu cầu Chúa bảo họ phải ngưng lại ngay, nhưng Chúa Giê-su đã nói gì?: "Ta bảo các ngươi, họ mà làm thinh thì các viên đá này sẽ hô lên." Rồi khi các con trẻ reo hò trong Đền Thờ: "Hoan hô con vua Đa-vít!" Thì các kinh sư nói với Chúa: "Ông nghe chúng nói gì không?" Người đáp: "Có, nhưng có lời này, các ngươi chưa bao giờ đọc sao: 'Ta sẽ cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen.' " Có lần Chúa chữa lành một lúc mười người phong cùi, một trong những người đó lại là người Sa-ma-ri-a quay lại cảm tạ Chúa, thì Chúa rất hài lòng và phiền trách chín người kia... Đó là bằng chứng cho thấy rằng những lời chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ Chúa cùng những nghi thức nghi lễ của Giáo Hội, càng uy nghiêm trang trọng càng đẹp lòng Chúa, vì ngày xưa dân Do-thái chỉ muốn Chúa làm vua dân họ, mà đã có những nghi thức kính cẩn, những lời ca khen cao đẹp như vậy, huống chi Giáo Hội thờ kính Chúa là Chúa cả trời đất thì dù những nghi thức phụng thờ của Giáo Hội có trang trọng gấp mấy cũng chưa có thể gọi là xứng đáng với sự vinh quang cao trọng của Chúa.
Còn kinh sách thì Giáo Hội không hề làm sai lời Chúa mà còn làm rất đúng, vì chúng ta hãy xem khi các tông đồ xin Chúa dạy họ cầu nguyện, thì Chúa dạy họ kinh Lạy Cha.
Kinh Lạy Cha phần đầu là:
-LẠY CHA CHÚNG CON NGỰ TRÊN TRỜI- CHÚNG CON NGUYỆN DANH CHA CẢ SÁNG- NƯỚC CHA TRỊ ĐẾN-Ý CHA THỂ HIỆN DƯỚI ĐẤT CŨNG NHƯ TRÊN TRỜI. : Lời chúc tụng ngợi khen này rất cao trọng và đẹp lòng đẹp ý Thiên Chúa, vì Người chỉ có thể làm sáng danh Người trên thế giới thần linh của Người, còn dưới thế thì vì Định Luật "Có mới được cho" nên Chúa phải đợi chờ chúng ta hợp lời cầu nguyện, để nhờ công phúc đó, Chúa mới cho danh Người cả sáng ở thế trần. Và thánh ý Chúa được thực hiện ở thế gian này cũng cần chúng ta CÓ cầu xin thì Chúa mới CHO. Đó là lễ vật vô cùng cao quý chúng ta dâng lên Chúa để nài xin Chúa ban cho chúng ta những ơn quan trọng cho hồn xác chúng ta ở phần sau:
-XIN CHA CHO CHÚNG CON HÔM NAY LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY : Xin cho linh hồn chúng ta được nuôi dưỡng bởi Thịt Máu thật Chúa Giê-su Ky-tô, cũng là Thịt Máu Thiên Chúa Ba Ngôi bởi thực hành Lời Chúa, cầu nguyện bằng Thánh Lễ, kinh Lòng Thương Xót, kinh Mân Côi, giữ các nhân đức...
-VÀ THA NỢ CHÚNG CON NHƯ CHÚNG CON CŨNG THA KẺ CÓ NỢ CHÚNG CON : Xin Chúa cho chúng ta biết tha thứ cho bất cứ ai gây cho chúng ta những nỗi khó khăn buồn phiền dù lớn dù nhỏ, để chúng ta được Chúa thứ tha những thiếu sót lầm lỡ: "Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lỗi lầm của họ, thì Cha các con Đấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con."
-XIN CHỚ ĐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ: Xin Chúa cho chúng con khỏi tham lam tiền tài, ham hố danh vọng, đam mê sắc duc... Mà phạm tội mất lòng Chúa.
-NHƯNG CỨU CHÚNG CON CHO KHỎI SỰ DỮ. AMEN : Xin Chúa cứu chúng con khỏi đói khát, lạnh lẽo, bệnh tật, tai nạn, cướp bóc, giặc giã, động đất, lụt lội, hạn hán...
Nội dung kinh Lạy Cha càng suy niệm càng thấy quý giá cao trọng và cần thiết, mà chỉ có sự khôn ngoan của Thiên Chúa mới có thể tác tạo hoàn chỉnh như vậy.
Còn hình thức kinh Lạy Cha chứng tỏ cách thức cầu nguyện của Giáo Hội hoàn toàn đẹp lòng hợp ý Chúa là dùng những nghi thức, những lời chúc tụng, những suy niệm, những sự hy sinh hãm mình... Thành lễ vật tiến dâng lên Chúa để cảm tạ và nài xin Chúa những ơn cứu giúp phần hồn phần xác.
Kinh Lạy Cha cũng dạy chúng ta cách thức đặt thành văn bản, thành kinh mà cầu nguyện vì:
-Thứ nhất, kinh sách của Giáo Hội thường cậy dựa trích rút từ Kinh Thánh mà chúc tụng ngợi khen cảm tạ Chúa, cách này không thể gọi là dài dòng so với trực tiếp đọc Kinh Thánh, vì các kinh đã đều được nghiên cứu rất cặn kẽ và trích rút những đoạn quan trọng, cần thiết và ý nghĩa nhất trong Kinh Thánh.
Thứ hai, kinh sách vừa chúc tụng, ngợi khen, thờ lạy cảm tạ Chúa, vừa nài xin Chúa cứu giúp từng sự từng việc, từng nơi từng lúc... Điểm này chính là làm theo thể thức Chúa Giê-su đã làm: Người đã nêu gương cầu nguyện , cảm tạ đội ơn Đức Chúa Cha, lớn tiếng trước mặt các môn đệ, khi Chúa và các ngài gặp sự may lành cũng như lúc gian nan thử thách, lúc Chúa và các tông đồ vui mừng cũng như lúc buồn phiền. Hãy tra cứu kỹ Kinh Thánh xem Chúa Giê-su cầu nguyện thế nào? Có phải Người thường dâng lời chúc tụng, ngợi khen cảm tạ, làm lễ vật dâng lên Chúa Cha để nài xin ơn trợ giúp hay không? Và Chúa cũng kể ra những nỗi khó khăn như khi Người cầu nguyện trong vườn Cây Dầu để xin Đức Chúa Cha cất sự dữ nếu có thể, chứ Chúa đâu lúc nào cũng đọc kinh Lạy Cha.
Thứ ba, kinh sách của Giáo Hội cộng với lịch trình phụng vụ: giờ , ngày, tuần, tháng, mùa, năm, để tất cả Giáo hữu, Xứ đạo, Giáo phận, Đất nước cùng toàn Giáo Hội cùng hợp nhất thông công vì Chúa đã dậy: Mt 18, 19-20: "Thầy bảo thật các con: Nếu ở dưới đất, hai người trong các con hợp lại cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người hợp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy giữa họ." Vậy thì sự thông công bằng kinh sách để cầu nguyện từ gia đình, từ Giáo xứ đã đẹp lòng đẹp ý Chúa lắm rồi, huống chi chúng ta cầu nguyện với những nghi lễ, nghi thức, kinh sách, lịch trình... Với ý thông công cùng Giáo Hội toàn cầu, các Thần Thánh trên trời và các linh hồn nơi luyện tội, thì đẹp lòng Chúa biết chừng nào. Cho nên việc cầu nguyện của Giáo Hội ơn ích gấp trăm nhờ kinh sách. Thật ra, nếu không có kinh nguyện, sự cầu nguyện mới lạc lõng mông lung, miệng lưỡi đã không nói, tâm trí lại đi vào lải nhải dài dòng, vậy cách nào đúng ý Chúa hơn?
Còn việc chúng ta kính mến cậy trông cầu khấn Đức Mẹ và các thánh không sai lỗi, trái đạo, không hề làm lu mờ hình ảnh Thiên Chúa, nhưng rất đẹp lòng Người, vì mọi sự cầu khấn Đức Mẹ và các thánh đều quy hướng về Chúa là cậy nhờ Đức Mẹ và các thánh bầu cử nài xin cho chúng ta nhờ công nghiệp của các Ngài. Và vì Chúa thưởng công cho Đức Mẹ và các thánh quyền năng chức tước ở trên trời, nên chính Chúa muốn chúng ta nhận được những ơn ích nhờ cậy trông Đức Mẹ và các thánh để làm sáng danh các Ngài. Các kinh cầu xin cùng Đức Mẹ và các thánh, cũng giống cách thức Chúa Giê-su đã truyền dạy trong kinh Lậy Cha là gồm hai phần: Phần đầu là ca tụng ngợi khen công đức của Đức Mẹ hoặc các thánh, làm thành lễ vật hiến dâng lên để nài xin Đức Mẹ hoặc các thánh bầu cử nài xin ơn Chúa cho chúng ta ở phần sau của mỗi kinh.
-Về phần kinh Mân Côi.
Kinh Mân Côi cũng có tính cách và mục đích như trên, là dùng những nghi thức, những lời chúc tụng ngợi khen Chúa và Đức Mẹ, những hy sinh hãm mình, ăn năn đền tạ, làm thành lễ vật dâng lên Chúa và Đức Mẹ để xin ơn phù trợ xác hồn. Vì kinh Mân Côi gồm:
-Các ngắm: là kinh để suy ngẫm những mầu nhiệm trong cuộc cứu độ của Chúa Giê-su và sự dự phần rất quan trọng của Đức Mẹ, để chúng ta tôn kính, cảm tạ, ngợi khen và noi gương,mà làm thành lễ vật dâng lên Chúa và Đức Mẹ.
-Kinh Lạy Cha: Như đã nói trên, là kinh rất quý giá cao trọng do chính Chúa Giê-su đã dậy, để ca tụng, ngợi khen, cảm tạ và nài xin ơn Chúa.
-Kinh Kính Mừng : được đọc mười lần sau mỗi ngắm và kinh Lạy Cha. Kinh Kính mừng đã được hoàn chỉnh khoảng thế kỷ thứ XI. Đó là công đức của Giáo Hội đã CÓ lòng thành kính cậy trông Đức Mẹ nên Người ban CHO chúng ta. Kinh Kính Mừng phần xướng là chúc tụng ngợi khen Đức Mẹ trích từ Kinh Thánh lời Sứ Thần Ga-bri-el: "Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà" và được kết hợp với lời chúc mừng của bà thánh I-sa-ve: "Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giê-su con lòng Bà gồm phúc lạ." Hai câu Kinh Thánh đó làm thành lời chúc tụng ngợi khen Đức Mẹ của chúng ta. Đó là lời chúc tụng vô cùng cao trọng quý giá, không lễ vật nào trên đời sánh ví bằng. Mỗi câu chúc mừng đó, khi chúng ta cầm lòng cầm trí sốt sáng đọc, đều trở thánh một đóa hoa thiêng làm lễ vật dâng lên Đức Mẹ để nài xin ơn cứu giúp độ trì.
Phần hai của kinh Kính Mừng: Câu đầu vừa là lời chúc tụng vừa là lời nguyện xin của chúng ta nhân danh Đức Mẹ Ma-ri-a Mẹ Thiên Chúa: "Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen." để xin Đức Mẹ dùng công nghiệp của Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa mà cầu bầu cho chúng ta khỏi những khốn khó phần hồn phần xác, và ơn quan trọng nữa là cứu giúp chúng ta trong giờ lâm chung.
- Kinh Sáng Danh: Kinh nguyện cầu, chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa Ba Ngôi: "Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. A-men.": Chúng ta nguyện cầu để Chúa cho danh Người cả sáng nơi trần gian, vì Chúa có quyền tuyệt đối trong việc làm cho danh Người cả sáng trên trời, còn dưới thế thì vì Định Luật "Có mới được cho" nên chúng ta phải chúc tụng nguyện cầu, để nhờ công phúc đó Chúa mới cho danh Người cả sáng nơi trần gian. Lời chúc tụng nguyện cầu vô cùng cao quý của kinh Sáng Danh thường được kết hợp với kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng, làm thành lễ vật quý giá mà nài xin ơn Chúa.
-Cuối cùng là lời nguyện Fa-ti-ma, lời nguyện do chính Đức Mẹ dạy ba trẻ khi Người hiện ra tại Fa-ti-ma: "Lậy Chúa Giê-su xin tha tội lỗi chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, và đưa hết thảy các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn." Lời kinh này vô cùng khẩn thiết, đó là nỗi lo lắng lớn nhất của Đức Mẹ với con cái Người.
Chỉ rất đơn giản trong khuôn mẫu hai mươi kinh ngắm, sau mỗi kinh ngắm là một kinh Lạy Cha, mười kinh Kính Mừng, một kinh Sáng Danh, cuối cùng là lời nguyện Fa-ti-ma, mà kinh Mân Côi trở thành thể thức, thành phương tiện rất hữu hiệu để cầu xin ơn Chúa. Đó là những lời chúc tụng ngợi khen, những suy niệm để ăn năn thống hối, những sự hướng thiện tu đức, hãm dẹp xác thịt... Làm thành lễ vật dâng lên Chúa và Đức Mẹ để xin ơn cứu giúp.
Là một trong các phương cách cầu nguyện của Giáo Hội, nhưng kinh Mân Côi có nhiều ưu điểm thuận lợi:
-Kinh Mân Côi được Đức Mẹ truyền dạy và phán hứa sẽ cứu giúp tất cả những ai kêu cầu Mẹ, cứu giúp các gia đình, các thôn xóm vùng miền, toàn Giáo Hội và cả thế giới.
-Hiệu quả kinh Mân Côi rất hiển nhiên, nhiều nỗi khốn khó tưởng chừng vô phương cứu chữa dù dư giả tài năng tiền bạc, mà chúng ta kêu cầu Đức Mẹ bằng kinh Mân Côi là được tai qua nạn khỏi cách rất lạ lùng.
-Bất cứ ai siêng năng lần chuỗi Mân Côi đều được mọi sự may lành khác thường, được che chở khỏi mọi lo âu sợ hãi tứ bề như bão tố, hỏa hoan, lụt lội, động đất, cướp bóc, loạn lạc...
-Kinh Mân Côi giúp chúng ta trút bỏ được những muộn phiền mỗi ngày trong cuộc đời.
-Kinh Mân Côi giúp chúng ta nhận ra những sai sót trên đường đời cũng như những thói hư tật xấu của chúng ta, để chúng ta có thể tu rèn tâm tính, trau dồi nhân đức.
-Kinh Mân Côi có thể đọc bất cứ nơi nào: tại nhà thờ, nhà nguyện, tại tư gia, lúc thức giấc, trên đường đi, chỗ làm việc, lúc nghỉ ngơi, trước giờ ngủ, trên giường nằm...
-Kinh Mân Côi có thể đọc chung , đọc riêng, đọc luân phiên, đọc khi rước kiệu, khi chầu Thánh Thể...
- Kinh Mân Côi có thể dùng để cầu nguyện cho bất kể mục đích gì: cầu xin cho có sức khỏe, cầu bình an, con cái ngoan ngoãn sống đạo; chăm chỉ hoc hành, cho chồng khỏi bê tha nghiện ngập, cho vợ khỏi đua đòi bài bạc. Cầu cho xã hội lành mạnh, cho người tội lỗi ăn năn trở lại, cho người đời nhận biết Chúa, cho các linh hồn nơi luyện tội...
-Kinh Mân Côi là phương tiện vô cùng thuận lợi để đền trả tội lỗi, bù đắp những sung túc dư giả; nhàn hạ sung túc ở đời, và làm vốn liếng của cải cho chúng ta trên Nước Trời.
Hãy nhìn rõ từ hình thức đến nội dung kinh Mân Côi để thấy rõ chúng ta kính mến cậy trông Đức Mẹ là để Người phù giúp chở che và dẫn đưa chúng ta đến cùng Chúa. Người đọc kinh Mân Côi là cùng Đức Mẹ thờ lậy, ngợi khen, cảm tạ và nguyện xin ơn Chúa.
2003
Gửi ý kiến của bạn