3- TỘI TỔ TÔNG TRUYỀN
Nói đến Tội Truyền người ta hiểu là việc A-đam và E-và ăn trái cấm trong vườn Địa Đàng mà truyền tội cho con cháu nên mọi người sinh ra đều có sẵn một tội, đó là tội Tổ Tông. Vì chưa từng có sách vở, bài giảng, chưa cha xứ, thầy giảng nào giải thích cho rõ ràng nên nhiều người thấy lấn cấn trong lòng mà chẳng dám nói ra, nhất là các bạn trẻ hiểu khoa học và rất yêu khoa học thì làm sao có thể tin cả nhân loại sinh ra từ một ông tổ Do Thái mà tính dòng dõi thì chỉ cách chúng ta vài chục ngàn năm. Nhưng Kinh Thánh vô cùng huyền nhiệm nên nếu chúng ta suy nghĩ cách thô thiển thì không thể hiểu nổi những điều ẨN DỤ cao siêu quý giá của Kinh Thánh. Cho nên câu chuyện đầy thi vị mộng mơ của Kinh Thánh phải được hiểu rằng: A-đam là mỗi người đàn ông, E-và là mỗi người đàn bà, "Ăn trái cấm" là bất tuân lời Chúa, là phạm tội. Tội Truyền là sự lây hưởng tội lỗi qua gương mù gương xấu, mắt thấy tai nghe, qua tinh thần trí não, qua linh hồn cha mẹ đến con cái cháu chắt:
Khi mang thai, người đàn bà được nhắc nhở phải giữ gìn cẩn thận việc ăn uống, đi đứng, nghỉ ngơi để dưỡng thai, và còn được dặn dò phải giữ lời ăn tiếng nói, cách ăn nết ở dịu dàng nhã nhặn, làm những việc phước đức để đứa con sinh ra được hưởng phước của người mẹ mà tốt lành cả thể xác lẫn tinh thần. Đó là cách dưỡng dục đứa trẻ ngay từ trong bụng mẹ, trăm phần trăm khoa học không hề sai chút nào. Chúng ta thấy có những người sinh năm bảy đứa con mà mỗi đứa một tính một nết, hãy kiểm chứng lại chúng ta sẽ thấy rất rõ: Người ta sinh ra từng đứa con trong từng giai đoạn của cuộc đời, mọi suy nghĩ mọi hành động qua các giai đoạn đó, từ sinh hoạt trí tuệ đến thể lực, từ sinh hoạt tình dục đến những việc lành thiện hay bê tha tội lỗi... Đều ảnh hưởng lây lan đến tính nết từng đứa con cách rất chính xác. Cho nên có người chưa kịp lớn đã thể hiện cung cách hiền lương đức độ, lại có người sinh ra đã mang trong mình mầm mống tội lỗi, chứng này tật nọ như dâm ô, ham danh hám lợi, gian dối, tắt mắt, ác độc... Do lây hưởng từ ông bà sang cha mẹ, cha mẹ sang con cái. Nhưng chưa hết, tội phúc còn lan truyền trong thời gian đứa trẻ được nuôi dạy không chỉ qua mắt thấy tai nghe mà còn lây hưởng qua tư tưởng suy nghĩ, qua linh hồn cha mẹ sang con cái cách chính xác trăm phần trăm cho dù có những việc con cái không hề mảy may biết các việc đó của cha mẹ, có những việc chính cha mẹ biết là tệ hại nên che đậy ngăn ngừa cách mấy chăng nữa nhưng chứng tật của cha mẹ vẫn lây truyền cho con cái mà không có cách gì thay đổi được. Nhưng không chỉ tội bị truyền mà ĐỨC CŨNG TRUYỀN, người ta có câu "Cha mẹ hiền lành để đức cho con", cho nên hãy quan sát, suy xét và kiểm nghiệm để nhận ra rằng các Thầy các Dì đi tu được cũng nhờ công đức rất cao vời của cha mẹ, vậy thì các bậc cha mẹ có con cái đi tu chớ có sao lãng lơ là mà phải tiếp tục suốt đời ăn chay cầu nguyện, giữ các nhân đức thì đường tu trì của con cái mới thuận lợi, bằng không thì con cái sẽ rất vất vả trên đường tu đức, chẳng hạn ông bà cố mà đổ tật tham tiền thì ông cha cũng chật vật tích góp, vì đó là quy luật của TỘI TRUYỀN chính xác trăm phần trăm và không hề có cách nào thay đổi được.
TỘI TRUYỀN VỚI KINH THÁNH
Chương Ba, Sách Sáng Thế
St 3, 1: Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng mà ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đã làm ra, nó nói với người đàn bà: "Có thật Thiên Chúa nói với các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?":
Như lời thánh Gioan Tẩy Giả: "Loài rắn độc kia, ai đã chỉ cho các ngươi trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy." Hoặc như Chúa Giê-su: "Đồ mãng xà loài rắn độc kia, các ngươi trốn đâu khỏi hình phạt hỏa ngục." Do đó chúng ta hiểu rắn là tay sai của ma quỷ, là kẻ tội lỗi, là chước cám dỗ, là gương mù gương xấu. Và con rắn đã hỏi E-và: "Có thật Thiên Chúa bảo các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?" Trong khi Chúa chỉ cấm ăn trái cây giữa vườn. Cho thấy sự tinh quái trong chước cám dỗ là tạo sự bất bình giận dữ, làm người ta tìm được đủ mọi lý do để mà phạm tội, thậm chí làm cho người ta mất ý thức về sự tội mà sa ngã sai phạm, chẳng hạn nhiều người cho rằng tiền tài, danh vọng, sắc dục, là tính tự nhiên của con người mà chính Chúa tạo dựng thì tại sao phải luật này lệ nọ, tại sao phải khuyên răn cấm cản?
St 2, 2-3: Người đàn bà nói với con rắn: "Trái cây trong vườn thì chúng tôi được ăn, còn trái cây ở giữa vườn, Thiên Chúa bảo "Các ngươi không được ăn, không đươc đụng tới kẻo phải chết".
"Bảo" trước nhất là Chúa tạo dựng con người có lương tâm, nói đúng hơn là ơn Chúa, là ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần để chúng ta phân biệt trái phải, tốt xấu, phúc tội. Rồi Chúa "Bảo" chúng ta qua sự dạy dỗ của các tiên tri, ngôn sứ, rồi Chúa đã sai chính Con Một Chúa là Đức Chúa Giê-su Ky-tô, Người đã tận tình răn dạy chỉ bảo mọi đàng. Và Người kế thừa sự nghiệp của Chúa Giê-su Ky-tô là Giáo Hội, Giáo Hội đã loan truyền giảng dạy và đúc kết mọi huấn thị của Chúa thành Giáo Luật. Những gì Chúa bảo mà chúng ta không thi hành, không tuân giữ là sự tội, sự tội làm cho chúng ta mất tư cách làm con Chúa, mất phần thưởng Thiên Chúa dành cho chúng ta là được hưởng Nước Trời, sự mất Chúa, mất Nước Trời là "phải chết".
St 3, 4-5: Rắn nói với người đàn bà: "Chẳng chết chóc gì đâu, nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, ông bà sẽ nên như các vị thần, biết điều thiện điều ác.":
Sự lừa dối, xúi bẩy của ma quỷ để chúng ta kiêu ngạo, tưởng mình là thông thái, tài trí, muốn được quyền quý cao sang, thậm chí có kẻ muốn được cung phụng như thần như thánh cho nên mới sinh vô vàn tội lỗi.
St 3, 6: "Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình, ông cùng ăn".
"Ăn thì ngon", "Trông thì đẹp mắt" , "Đáng quý", "Được tinh khôn" là con người đầy dẫy những tham lam: dục tình, tiền bạc, danh vọng, tài năng, quyền thế, tất cả nhưng cái quý cái hiếm, cái đẹp đẽ cao sang trọng vọng đều muốn ôm đồm, muốn sở hữu, muốn quản trị, cho nên mới bị cám dỗ mà phạm tội. Ở đây con rắn chỉ cám dỗ có ba điều mà người đàn bà tự nghĩ thêm bốn điều nữa vì lòng CON NGƯỜI đầy dãy tham lam ước muốn.
St 3, 7: "Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng, họ mới kết lá làm khố che thân".
Sách Sáng Thế tàng chứa những bí nhiệm hết sức quan trọng của Chúa trong một cốt truyện quá thơ mộng, đến nỗi nhiều người đọc đi đọc lại, càng đọc lại càng tưởng đây là chuyện cổ tích hoang đường, cho nên nếu không có Lời Chúa Giê-su Ky-tô và không hiểu đươc ý Người, chúng ta làm sao có thể hiểu được nghĩa của chữ "trần truồng": Trong dụ ngôn "Tiệc cưới" (Mt 22, 1-14) có đoạn ông chủ đến quan sát khách dự tiệc, thấy một người không mặc áo cưới, mới sai gia nhân trói lại ném ra ngoài: Người khách không mặc y phục tiệc cưới nên không đủ tiêu chuẩn để dự tiệc, nghĩa là người tội lỗi không đủ tư cách vào Nước Trời. Trong dụ ngôn "Người Cha nhân hậu" cũng có đoạn người cha sai giai nhân: "Hãy đem áo mới mặc cho cậu". Trong sách Khải Huyền nói về các thánh cũng có câu "Họ đã giặt áo trong máu Con Chiên". Do đó "A-dam E-và trần truồng" được hiểu ra là: Sự tội làm cho con người mất tư cách làm con Chúa, mất quyền lợi hưởng hạnh phúc Nước Trời.
St 3, 8-11: Nghe thấy tiếng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, A-dam và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa gọi A-đam mà hỏi: "Ngươi ở đâu " , A-đam thưa: "Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng nên con lẩn trốn". ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi: "Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng. Có phải ngươi đã ăn trái mà Ta đã cấm ngươi ăn không ?"
Đến đây chúng ta thấy rất rõ cách Kinh Thánh diễn đạt: "Trái" mà Chúa cấm con người không được ăn là những việc xấu xa tội lỗi, khi con người phạm tội thì bị mất tư cách làm con Chúa là "trần truồng", mà phải trốn vào giữa "cây rừng" là đường tối tăm xa lạc Chúa, trong khi đường đến với Chúa thì quang sáng: "Lúc gió thổi trong NGÀY".
St 3, 12-13: A-dam thưa: "Người đàn bà Ngài cho ở với con đã cho con ăn trái ấy nên con ăn". ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: "Ngươi đã làm gì thế." Người đàn bà thưa: "Con rắn đã lừa dối con nên con ăn":
Không chỉ đàn bà dụ dỗ đàn ông phạm tội, cũng không chỉ đàn bà mới bị cám dỗ, và không con rắn nào; không chước cám dỗ nào có thể cám dỗ nếu lòng người không tham lam yếu đuối: "Ăn thì ngon", "Trông thì đẹp mắt", "Tinh khôn", "Đáng quý". Tuy nhiên, người ta nói: "Lấy lửa thử vàng, lấy vàng thử đàn bà, lấy đàn bà thử đàn ông": Thường thì người đàn bà thích ăn ngon măc đẹp, thích giầu sang phú quý, yếu đuối trước những xa hoa phù phiếm hơn, còn người đàn ông thường dễ pham tội nguyên do vì người đàn bà hơn.
St 3, 14: "ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán với con rắn: "Mi đã làm điều đó nên đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài dã thú, mi phải bò bằng bụng, phải ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi".
Lời nguyền của Thiên Chúa đó lại giống hệt lời nguyền của Chúa Giê-su Ky-tô: "Khốn cho thế gian vì làm cớ cho người ta sa ngã... " Thực tế rắn ăn ếch nhái, gà vịt, chứ rắn không ăn đất. "bùn đất" là thức ăn của sự chết. Linh hồn chúng ta được sinh ra từ Thánh Thể Thiên Chúa là SỰ SỐNG. Kẻ tội lỗi là con rắn phải bò bằng bụng là là linh hồn SỰ SỐNG bị dính kết chất nhơ nhớp, ôm ấp sự chết sinh nặng nề yếu đuối mà bị lôi cuốn vào nơi ở của ma quỷ.
St 3, 15: "Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa giòng giống mi và giòng giống người ấy. Giòng giống ấy sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ rình cắn gót nó.":
Vì sự lây lan di truyền tội lỗi từ ông bà cha mẹ đời này chồng chất qua đời nọ, nên người ta sinh ra đã mang sẵn trong mình những mầm mống tội lỗi, đam mê tiền tài, sắc dục, địa vị danh vọng, mà từng giây từng phút phải giằng co vật lộn giữa thiện ác tốt xấu.
St 3, 16-19: Với người đàn bà Chúa phán: "Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén, ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con, ngươi sẽ phải thèm muốn chồng ngươi và nó sẽ thống trị ngươi." Với A-dam Chúa phán: "Vì ngươi đã nghe lời vợ mà ăn trái cây mà ta đã truyền cho ngươi rằng 'Ngươi đừng ăn nó' nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi, ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng, ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất sẽ trở về với bụi đất.":
Những đau khổ, nhục nhã, cay đắng, vất vả... Tạo nên công phúc là "miếng ăn" là "BÁNH" để linh hồn kẻ tội lỗi được nuôi dưỡng phục hồi.
Và như lời Chúa Giê-su: "Ta là BÁNH hằng sống" nên từ khi Chúa Giê-su Ky-tô xuống thế làm người chịu nạn chịu chết để lập công cứu chuộc, chúng ta mới có BÁNH, có LƯƠNG THỰC dồi dào để linh hồn được nuôi dưỡng, được tái sinh.
St 3, 20-21: "A-đam đặt tên cho vợ là E-và vì bà là mẹ chúng sinh. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa làm cho A-đam và vợ những chiếc áo bằng da và mặc cho họ."
Vì phạm tội nên con người "trần truồng" là mất tư cách làm con Chúa, mất tư cách hưởng Nước Trời. Thiên Chúa làm cho họ "những chiếc áo bằng da" là tìm cách phục hồi tái sinh nhân loại như sai các tiên tri ngôn sứ đến uốn nắn dạy bảo, nhưng cũng chỉ như "những chiếc áo da" chưa đủ tiêu chuẩn dự lễ cưới, chưa đủ tư cách hưởng Nước Trời. Cho nên chính Con Thiên Chúa phải xuống thế làm người, tận tình dạy dỗ, chịu nạn chịu chết để lập công cứu chuộc, mới làm được cho nhân loại lễ phục chỉnh tề để tham dự Bàn Tiệc Nước Trời, như đoạn nói về các thánh: "Họ đã giặt ÁO trong máu CON CHIÊN".
St 3, 22-23: "ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa nói: "Này con người đã trở thành kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác, bây giờ đừng để nó hái cây trường sinh mà ăn và được sống mãi. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đuổi con người ra khỏi vườn E-den để cầy cấy đất đai, từ đó con người được lấy ra.":
Con người pham tội nên mất quyền làm con Chúa, mất phúc hưởng Nước Trời. E-den phải được hiểu là sự bình an thảnh thơi của những tâm hồn trong trắng vô tội dù trong hoàn cảnh nghèo hèn, bệnh tật, hoạn nạn, loạn lạc, như sau khi sống lại mỗi lần hiện ra cùng các môn đệ Chúa Giêsu "Bình an cho các con." Vậy E-đen là sự bình an của Chúa. Bị đuổi khỏi E-den là con người vì tội lỗi mà xác không an hồn không ổn, luôn đau khổ, lo sợ, thèm khát, ham muốn.
St 3, 24: "Người trục xuất con người, và ở phía đông vườn E-den Người đặt các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng lóe để canh giữ đường đến cây trường sinh."
"Lưỡi gươm SÁNG LÓE" ('Sáng lóe': ÁNH SÁNG) là những Định Luật công thẳng không thể mảy may xê dịch thay đổi, cho nên con người không thể đến được "CÂY TRƯỜNG SINH" là cuộc sống đời đời trong Nước Chúa. Vì thế con người chỉ còn cậy nhờ công nghiệp Chúa Giê-su Ky-tô mới phục hồi được tư cách làm con Chúa. Nhờ Chúa Giê-su Ky-tô là BÁNH thì linh hồn chúng ta mới được nuôi dưỡng để sống sung mãn. Nhờ Chúa Giê-su đã làm cho chúng ta y phục chỉnh tề để tham dự Bàn Tiệc Nước Trời.
Tóm lại, mầm mống, nọc độc tội lỗi bị lây lan truyền nối từ ông bà cha mẹ đến con cái cháu chắt, đời này sang đời khác mà khoa học có thể xác định, và còn hơn sự tính toán của khoa học là những kiểm nghiệm thực tế song song với sự xác định rõ ràng mà Kinh Thánh muốn diễn đạt chứ không mơ hồ úp mở. Cho nên đức tin người Ky-tô thật đúng đắn và có căn cứ vững vàng.
Và khi chúng ta đã hiểu rõ căn do của "tội truyền" thì tín lý ĐỨC NỮ MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI hoàn toàn đơn giản dễ hiểu là: Đức Nữ Maria trong sạch vẹn toàn, không hề bị lây nhiễm mọi tội lỗi, mọi tính hư tật xấu từ cha mẹ, giòng dõi đến tha nhân, mới xứng đáng làm MẸ SINH ĐẤNG CỨU THẾ, mới xứng đáng là MẸ THIÊN CHÚA.
1998
Gửi ý kiến của bạn